Welcome to Nguyễn-Thái-Học Foundation   Click to listen highlighted text! Welcome to Nguyễn-Thái-Học Foundation

Nguyễn Thái Học biểu tượng của khí phách anh hùng và lòng yêu Tổ Quốc


Nguyễn Ngọc Bảo

(Bài nói chuyện trong Lễ Tưởng Niệm Ngày Tang Yên Bái do Thành Bộ VNQDĐ Houston tổ chức ngày 27 tháng 6 năm 2010 tại Houston)

Thật là một hân hạnh lớn lao cho tôi, được ban tổ chức buổi Lễ Tưởng Niệm Ngày Tang Yên Bái dành cho cơ hội đứng trước quý vị để có đôi lời về người anh hùng Nguyễn Thái Học của dân tộc chúng ta.

Thưa quý vị, tôi xin được chia sẻ cùng quý vị một câu chuyện.

Có lẽ đa số quý vị cũng biết, tôi là một thành viên của hội VHKHVN. Một trong những sinh hoạt thường niên của hội chúng tôi trong suốt 13 năm qua là tổ chức trại hè Lên Đường nhằm mục đích huấn luyện các kỹ năng lãnh đạo cho thanh niên gốc Việt. Khi tham dự trại, các bạn trẻ cũng có cơ hội học hỏi về lịch sử và văn hóa dân tộc. Trong mỗi kỳ trại, các trại sinh được phân chia thành 12 đội để sinh hoạt trong suốt 4 ngày ở trại.

Lên Đường 2010 đã được tổ chức vào cuối tháng năm vừa qua với sự tham dự của 300 trại sinh. Khi chuẩn bị cho việc tổ chức, chúng tôi đã quyết định chọn 12 vị anh hùng dân tộc để đặt tên cho 12 đội. Việc lựa chọn không phải dễ dàng vì trong bốn ngàn năm lịch sử, dân tộc ta có rất nhiều anh hùng hào kiệt, như cụ Nguyễn Trãi đã đề cập đến trong Bình Ngô Đại Cáo “Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau. Song hào kiệt đời nào cũng có.” Sau khi cân nhắc, chúng tôi đã chọn được 12 vị, trong số này có Bà Trưng, có Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, v.v. và có Nguyễn Thái Học, đảng trưởng Việt Nam Quốc Dân Đảng. Khi quyết định xếp tên Nguyễn Thái Học bên cạnh tên của các anh hùng, liệt nữ tôi vừa kể đến, hội VHKHVN chúng tôi tin rằng lòng yêu tổ quốc của ông, tinh thần trách nhiệm nơi ông, sự sáng suốt ở ông, và cái chết hào hùng của ông đã làm thơm thêm trang sử Việt, khơi dậy thêm nơi những người bạn trẻ tinh thần trách nhiệm đối với quê hương, và thắp sáng thêm trong lòng họ ngọn lửa đấu tranh cho một Việt Nam tự do dân chủ.    

Tiểu sử của Nguyễn Thái Học và sự nghiệp cách mạng của ông được ghi bằng Anh và Việt ngữ trong tập đặc san của Trại Hè và cũng là tài liệu học tập của trại sinh, mà tôi đang cầm trong tay. Chúng tôi đã yêu cầu trại sinh mỗi đội tìm hiểu về con người và công trạng của vị anh hùng hoặc liệt nữ được dùng tên đặt cho đội. Các trại sinh có thể tìm hiểu những điều này từ những trại sinh có nhiều kiến thức lịch sử dân tộc và từ người counselor, tức hướng dẫn viên của đội, là người mà ban quản trại giao trách nhiệm sinh hoạt chung với trại sinh mỗi đội để giúp họ trong việc học tập cũng như trong các sinh hoạt tập thể.

Thưa quý vị, khi tìm hiểu về con người Nguyễn Thái Học, những trại sinh của chúng tôi đã biết được sự hy sinh to lớn ông dành cho tổ quốc và dân tộc. Đang là một sinh viên trường Cao Đẳng Thương Mại, ông đã từ khước cuộc đời bình an, no ấm mà thực dân Pháp dành cho những trí thức Việt Nam theo Tây Học, để theo đuổi con đường cách mạng dân tộc đầy gian truân, nguy hiểm, đánh duổi thực dân Pháp để dành lại độc lập cho nước nhà.

Khi tìm hiểu về Nguyễn Thái Học, những người bạn trẻ cũng được biết về tinh thần bất khuất của vị anh hùng dân tộc. Sau khi bị bắt, Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí đã hiên ngang bước lên đoạn đầu đài. Trước khi lưỡi dao oan nghiệt hạ xuống, các liệt sĩ còn dõng dạc hô to câu “Việt Nam Muôn Năm” mà âm hưởng còn vang dội trong lòng những người yêu nước cho đến hôm nay, như những câu thơ của Đằng Phương, tức giáo sư Nguyễn Ngọc Huy:

Họ thản nhiên, lần lượt bước lên đài
Và dõng dạc buông tiếng hô hùng dũng
“Việt Nam muôn năm!” Một đầu rơi rụng,
“Việt Nam muôn năm!” Người kế tiến lên
Và Tử Thần kính cẩn đứng ghi tên
Những liệt sĩ vào bia người tuẫn quốc
,

Và khi tìm hiểu về Nguyễn Thái Học, có lẽ những người bạn trẻ thời nay không thể không hết lòng thán phục viễn kiễn, khả năng nhìn xa trông rộng của người đảng trưởng lúc bấy giờ. Đó là kế hoạch dân chủ hóa Việt Nam mà ông và các đồng chí theo đuổi khi thành lập VNQDĐ. Có thể nói vào đầu thế kỷ thứ 20, khái niệm tự do dân chủ là điều xa lạ đối với quần chúng sống dưới chế độ thuộc địa. Tuy nhiên, người thanh niên chỉ mới 25 tuổi đã xác định đây là điều thiết yếu để xây dựng một nước Việt Nam tự do, độc lập, và phát triển. Trong đại hội lần thứ nhất của VNQDĐ, được tổ chức bí mật vào tháng 12 năm 1927 tại Hà Nội, dưới sự lãnh đạo của chủ tịch Nguyễn Thái Học, các đại biểu của đảng đã ghi mục tiêu đấu tranh trong văn kiện thành lập đảng như sau:

“Mục đích và tôn chỉ của Đảng là làm một cuộc cách mạng quốc gia, dùng võ lực đánh đổ chế độ thực dân phong kiến, để lập nên một nước độc lập Việt Nam Cộng Hòa. Đồng thời giúp đỡ các dân tộc bị áp bức trong công cuộc tranh đấu giành độc lập của họ, đặc biệt là các lân quốc Ai Lao và Cao Miên.”

Không những chỉ muốn dành độc lập và dân chủ hóa Việt Nam, ông Nguyễn Thái Học còn nhắm đến việc giúp giải phóng Lào và Cao Miên khỏi sự thống trị của thực dân Pháp để tiến đến việc dân chủ hóa toàn cõi Đông Dương. Lúc bấy giờ ông đã nhận định rõ sự quan trọng của việc hình thành liên minh Đông Dương đối với phúc lợi ba quốc gia trong vùng.

Thưa quý vị, những điều tôi vừa trình bầy chính là những lý do thúc dục chúng tôi chọn ông là một trong 12 vị anh hùng dân tộc để giới thiệu đến trại sinh Lên Đường 2010. Chúng tôi hy vọng rằng, sau khi biết đến ông, họ sẽ nhận ông là biểu tượng của nhân cách, của khí phách, của lòng yêu nước, và của tinh thần trách nhiệm đối với quê hương, như những lời trong bài viết mang tựa đề “Nguyễn Thái Học và Sách Lược Dân Chủ Hóa Đông Dương,” của ông Nguyễn Đại Việt, mà tôi rất tâm đắc:

“Trong các cuộc xuống đường đấu tranh của các dân tộc trên thế giới, ngoài lá cờ, người ta còn thấy có hình ảnh của một vị lãnh tụ hoặc một bậc anh hùng dùng làm biểu tượng của họ. Từ bao năm nay, các cuộc xuống đường đấu tranh của người Việt tự do vẫn còn thiếu hình ảnh một nhân vật như vậy; và đó là một thiếu sót quan trọng. Người Việt tự do nên có một biểu tượng. Người sinh viên anh hùng Nguyễn Thái Học là một biểu tượng thích hợp nhất cho phong trào đấu tranh cho tự do và dân chủ của Việt Nam.

Tên tuổi của Nguyễn Thái Học đã đi vào lịch sử. Ông là người anh hùng của dân tộc và không còn là biểu tượng riêng của một đảng phái nào cả. Lịch sử đấu tranh của Việt Nam không thiếu những anh hùng liệt nữ. Nhưng trong lịch sử đấu tranh cận đại của dân tộc, phong thái và tinh thần của Nguyễn Thái Học, có lẽ được xem là hình ảnh gần gũi nhất với các thế hệ sau ông.”

Thưa quý vị, cuộc khởi nghĩa Yên Bái bị thất bại, Nguyễn Thái Học cùng 12 đồng chí đã đền nợ nước. Tuy nhiên, dư âm và ảnh hưởng của cuộc khởi nghĩa đã đánh thức lòng yêu nước, và tinh thần dấn thân của bao thế hệ sau ông. Kể từ ngày ông đứng nơi pháp trường, hô to bốn chữ “Việt Nam Muôn Năm” ngay trước bị quân thù xử trảm, đã có hàng hàng lớp lớp người Việt Nam yêu nước tiếp nối con đường cách mạng dân chủ ông vạch ra.

Ngày hôm nay, chúng ta tụ hội nơi đây để tưởng niệm Ngày Tang Yên Bái và nhớ đến anh hùng Nguyễn Thái Học. Mong rằng những người Việt Nam còn nặng lòng với tiền đồ đất nước ở thời đại hôm nay, trẻ cũng như già, trong cũng như ngoài nước, sẽ sống xứng đáng với tên tuổi ông, để nối tiếp sự nghiệp dở dang của ông, và hoàn thành giấc mơ của ông ở 83 năm về trước. Đó là cùng nắm tay nhau để xây dựng một Việt Nam tự do, dân chủ, và phát triển. Chúng ta nhất định phải thành công. Xin trân trọng cảm tạ sự theo dõi của quý vị.

Click to listen highlighted text!