Liệu có khả năng ký kết Bộ Quy tắc ứng xử dành cho các bên ở Biển Đông (COC)?
Piotr Tsvetov
Wu Shitsun – Chủ tịch Viện Nghiên cứu Biển Đông Quốc gia Trung Quốc tại Đài Loan, phát biểu gần đây tại một trong những hội thảo khoa học, nói Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông đang “gặp phải trở ngại”, theo chuyên gia phân tích Pyotr Tsvetov viết trong bài báo của mình trên Sputnik.
Mỗi bên đều có lý lẽ của riêng mình
Wu Shitsun xác định sự thiếu tin tưởng giữa các bên là trở ngại chính cho việc thông qua Bộ Quy tắc ứng xử (COC): “Không có sự tin tưởng lẫn nhau trong việc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông và không đủ động lực cho các cuộc tham vấn về COC, điều này tạo ra những vấn đề chưa từng có cho việc hoạch định quy tắc trong khu vực. Vì vậy, cá nhân tôi, không lạc quan về thỏa thuận về quy tắc ứng xử”, ông Wu nói
Công việc xây dựng COC được các bên (ASEAN và Trung Quốc) thực hiện kể từ năm 2002, sau khi Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) được ký kết. Văn bản này ở một mức độ nào đó xác định quy tắc ứng xử của các quốc gia dọc theo bờ Biển Đông, trong đó chủ yếu là nghĩa vụ của các bên được ghi trong tuyên bố là tìm cách giải quyết các vấn đề gây tranh cãi chỉ bằng các biện pháp chính trị hòa bình, kiềm chế các hành động đơn phương như cố gắng thăm dò khai thác các mỏ hoặc định cư trên các đảo không có người ở.
Các nước ASEAN mong muốn Bộ Quy tắc trở thành tài liệumang tính ràng buộc về mặt pháp lý, một cơ chế giải quyết tranh chấp hoặc quản lý khủng hoảng. Một số quốc gia tin Bộ Quy tắc nên quy định quyền sử dụng trọng tài quốc tế trong trường hợp tranh chấp chưa được giải quyết.
Bắc Kinh, được các tác giả Trung Quốc công nhận, muốn COC trở thành bản sao cập nhật của DOC. Điều cuối cùng mà Bắc Kinh muốn là Bộ quy tắc có các hình phạt đối với những ai vi phạm các quy tắc ứng xử. Rốt cuộc, trong suốt 22 năm này, chính Trung Quốc vi phạm nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình (chỉ cần nhớ lại vụ chiếm giữ bãi cạn Scarborough năm 2012, và ngay cả bây giờ thế giới cũng nhìn thấy cách các tàu hải cảnh Trung Quốc tấn công tàu Philippine bằng vòi rồng).
Việc Bắc Kinh bác bỏ quyết định của tòa án quốc tế được thể hiện rõ ràng qua lập trường của nước này đối với phán quyết của Tòa án La Hay vào mùa hè năm 2016. Các quan chức Trung Quốc khi đó tuyên bố họ không công nhận quyết định này.
Các nhà đàm phán không đồng thuận về vấn đề khác. Bắc Kinh muốn bổ sung vào COC một điều khoản là các cường quốc ngoài khu vực không có quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên ở Biển Đông và tiến hành tập trận hải quân ở đó. Điều này không có lợi cho các nước ASEAN, vì trong trường hợp này, họ bị tước đi cơ hội hợp tác trong lĩnh vực sản xuất dầu khí với các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Nga. Khi đó Trung Quốc sẽ trở thành nước độc quyền hầu hết các dự án trong khu vực.
Việc đàm phán chỉ là bức màn che của Trung Quốc?
Tuy nhiên, đại diện Bắc Kinh nhiều lần bày tỏ mong muốn ký COC càng sớm càng tốt. Ví dụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cách đây một tháng, phát biểu tại phiên họp Quốc hội Trung Quốc, bày tỏ sự lạc quan về việc ký kết Bộ quy tắc.
Nhưng một số nước ASEAN không còn tin vào điều này. Ví dụ, trong vài tháng qua, chính phủ Philippines cân nhắc ý tưởng ký một Bộ quy tắc ứng xử riêng trên cơ sở song phương. Ví dụ: Philippines – Việt Nam hoặc Philippines – Malaysia. Theo tôi, đây là một ý tưởng không khả thi. Tranh chấp biên giới ở Biển Đông ảnh hưởng đến lợi ích của nhiều quốc gia, nếu một cặp nước tuân thủ nghiêm ngặt luật lệ trong khi các nước còn lại không bị ràng buộc thì cục diện chung sẽ thay đổi như thế nào?
Đánh giá theo phản ứng của Chủ tịch Viện Nghiên cứu Biển Đông Quốc gia Trung Quốc, bản thân giới học giả uy tín ở Trung Quốc cũng không tin vào triển vọng thông qua Bộ Quy tắc.
Tại sao các nhà lãnh đạo Bắc Kinh lại nói về Bộ Quy tắc? Có thể giả định với khả năng cao việc đàm phán chỉ đóng vai trò bình phong, vỏ bọc cho các biện pháp củng cố vị thế của Trung Quốc ở Biển Đông, trong đó có việc tăng cường sức mạnh quân sự. Hiện tại, Hải quân Trung Quốc vượt trội về số lượng tàu chiến không chỉ so với bất kỳ nước nào trong ASEAN mà còn vượt trội so với Hải quân Hoa Kỳ. Một vài năm nữa Trung Quốc sẽ bắt kịp và vượt qua Hoa Kỳ cũng như bất kỳ quốc gia nào khác về số lượng tàu sân bay. Và sau đó, ai có thể yêu cầu Bắc Kinh tuân theo một số quy tắc ứng xử?
Đồng thời, ngoại giao Trung Quốc ngày nay xác định nước này là một quốc gia có trách nhiệm, yêu chuộng hòa bình và do đó đồng ý đàm phán, hành động như một bên kiến tạo hòa bình và tuân theo năm nguyên tắc chung sống hòa bình.
Nguồn: Sputnik