Welcome to Nguyễn-Thái-Học Foundation   Click to listen highlighted text! Welcome to Nguyễn-Thái-Học Foundation

Lịch sử nhân loại


KARL JASPERS (1883-1969)

Lịch sử quan trọng như thế nào?

Không có gì thiết yếu cho ta hơn lịch sử để ta biết ta, vì nó mở ra cho ta những chân trời rộng rãi; vì nó di truyền lại cho ta những giá trị xưa nhờ đó ta xây dựng được đời ta; vì nó chỉ dẫn cho ta những tiêu chuẩn để ta áp dụng vào hiện tại. Sau cùng, lịch sử còn giải thoát ta khi ta lệ thuộc thời đại mà không ý thức và còn mở cho ta thấy những khả năng cao cả và những sáng tạo bất hủ của loài người.

Trong lúc nhàn lạc, không gì bằng ôn lại những kỳ công của người xưa và nhìn lại những tai biến lớn lao trong lịch sử, nơi đã chôn vùi tất cả. Trong tấm gương của lịch sử ta sẽ hiểu được kinh nghiệm hiện tại của ta hơn. Và những gì nó di truyền lại sẽ trở thành sinh khí cho ta nhờ ánh sáng của thời đại. Như thế, cuộc đời của ta cứ trôi chảy trong khi dĩ vãng và hiện tại cũng cứ tiếp tục soi sáng lẫn nhau.

Đó là lối nhìn lịch sử một cách bao quát nhưng chỉ khi nào tiến sát gần như nhìn tận mắt và đi sâu vào chi tiết những biến cố lịch sử mới có nghĩa và có ích cho ta thực sự.

Còn khi triết lý, tất nhiên ta vẫn còn bó buộc phải dùng tới những nhận định tổng quát và thiết yếu trừu tượng.

Triết học sử quan.

Hình như lịch sử thế giới là một mớ hỗn độn gồm toàn những biến cố bất ngờ; mọi sự thấy nằm ngổn ngang như trong những cơn lốc của một trận lụt. Hết hỗn loạn này lại tiếp hỗn loạn khác, hết tai họa này lại đến tai họa khác. Thỉnh thoảng thấy trời quang mây tạnh và thanh bình chớp nhoáng, hay còn sót lại những hòn đảo nhấp nhô chưa bị làn sóng cồn cuốn đi, nhưng sau cùng cũng bị chôn vùi hết.

Nói tóm, theo kiểu nói hình ảnh của Max Weber, lịch sử là con đường ma quỷ đã đắp lên bằng những vật liệu mục nát.

Thực vậy, tuy khoa sử học đã khám phá ra được những liên lạc giữa những biến cố này với những biến cố khác trong lịch sử và cũng đã khám phá được cả những tương quan nhân quả ví dụ những kết quả ở phát minh kỹ thuật đã đề ra những phương pháp cần lao như thế nào? Hay ảnh hưởng của những phương pháp cần lao trên cơ cấu xã hội làm sao? Hoặc những cuộc chinh phạt của các nước thực dân đã thay đổi những tầng lớp màu da như thế nào? Hoặc ảnh hưởng của những kỹ thuật chiến tranh trên những tổ chức quân sự và tổ chức quân sự trên cơ cấu của chính quyền làm sao? Và cứ như thế mãi mãi…

Tiếp sau và ngoài những tương quan nhân quả, khoa sử học còn muốn nhìn lịch sử theo những khía cạnh toàn diện ví dụ họ coi lịch sử như một dòng sông tinh thần liên tục trải qua một chuỗi những thế hệ khác nhau như người ta quan niệm lịch sử là nhiều thời đại văn hóa kế tiếp nhau cái này do cái kia mà phát sinh, hay người ta nhìn trong dòng lịch sử thấy phát triển ra những đơn vị văn hóa lớn hoàn toàn biệt lập nhau. Như Spengler và những người kế tiếp ông đã quan niệm rằng: những nền văn hóa kiểu đó đã do những đoàn thể người chỉ ham sống, không khác loài cây mọc trên đất, đơm bông lá rồi tàn lụi đi.

Những nền văn hóa ấy mọc lên nhan nhản vô kể, Spengler ghi được tám kể từ trước tới bây giờ, còn Toynbee lại ghi được hai mươi mốt: nhưng các nền văn hóa ấy lại không liên hệ gì với nhau hay rất ít liên hệ.

Nên nhìn theo quan điểm trên thì lịch sử không có nghĩa gì, cũng không có nhất trí cũng không có cơ cấu gì cả mà chỉ thấy toàn những tương quan nhân quả chi chít, rối ren đến nỗi trí khôn cũng không gỡ rối được hay người ta lại chỉ thấy toàn những đơn vị theo hình thái[1] y như trong cuộc sinh hóa của các hiện tượng thiên nhiên. Hơn nữa, trong lịch sử chính những đơn vị ấy lại khó mà thiết định được cho đích xác.

Lược đồ lịch sử thế giới.

Tuy nhiên triết học sử quan cũng bó buộc phải tìm ra ý nghĩa nhất trí, cơ cấu trong lịch sử thế giới. Lịch sử ấy phải nhằm toàn thể nhân loại.

Vậy chúng ta hãy phác họa một lược đồ về lịch sử nhân loại xem sao:

Loài người đã sống trên mặt đất này từ hàng trăm ngàn năm nay rồi. Chứng cứ là những bộ xương đã khai quật được trong các tầng địa chất. Ngày nay người ta đã tính được sự hình thành của những lớp đất đó rồi.

Rồi từ hàng mười ngàn năm nay đã xuất hiện những con người có cơ thể y hệt như ta. Ngày nay ta còn tìm được những vết tích của họ qua những dụng cụ và những bức họa của họ để lại.

Nhưng mới từ năm hay sáu ngàn năm gần đây, ta mới có một lịch sử liên tục, căn cứ trên những tài liệu chính xác.

Lịch sử ấy chia làm bốn thời kỳ biệt lập nhau rõ rệt:

1. Về thời kỳ sơ khai ta chỉ có thể ước đoán rằng: lúc ấy là lúc con người biết nói năng, biết phát minh những dụng cụ, biết nhóm và sử dụng lửa. Thời kỳ ấy được mệnh danh là thời kỳ của Thần Lửa (Promethee), căn bản cho mọi lịch sử. Lúc đó con người mới thành con người, đối lập lại tình trạng khi con người mới chỉ là sinh vật, mà ta khó tưởng tượng nổi. Thời kỳ ấy đã xuất hiện vào lúc nào? Và phải bao nhiêu thời gian nó mới vượt qua được những thời kỳ tiếp sau? Đó là những điều ta không thể biết rõ. Nhưng có lẽ là thời kỳ này đã xuất hiện rất xa trong lịch sử và phải dài gấp mấy lần lịch sử thành văn. Có khi lịch sử thành văn ngày nay hầu như không đáng kể nếu đem so sánh với thời kỳ sơ khai này!

2. Tiếp đó, vào khoảng năm 5000 đến 3000 trước Tây lịch, mới thấy xuất hiện mấy nền văn minh lớn thời xưa ở Ai Cập, Mesopotamie, Ấn độ và sau đó ít lâu ở Trung hoa, trên lưu vực sông Hoàng hà.

Đó là những quần đảo nhỏ bé mọc lên sáng ngời giữa lớp quần chúng đông ngòn những người đã sống rải rác trên khắp mặt địa cầu.

3. Rồi vào khoảng 500 năm trước Tây lịch trong thời kỳ từ năm 800 đến 200, đã thấy đặt được vững chãi những căn bản tinh thần của nhân loại mà ngày nay nhân loại vẫn còn phải khai thác những tinh túy của tinh thần ấy. Hiện tượng vĩ đại ấy đã xảy ra đồng thời nhưng biệt lập cả ở Trung hoa, cả ở Ấn độ, cả ở Ba-tư, cả ở Palestine và ở Hi lạp.

4. Sau cùng, từ ấy đến nay, chỉ xảy ra một biến cố mới mẻ, độc đáo hoàn toàn và quyết liệt về mặt tinh thần cũng như về mặt vật chất và gây ra ảnh hưởng trên lịch sử nhân loại không kém gì những thời kỳ đi trước.

Đó là sự xuất hiện của các khoa học và kỹ thuật.

Biến cố ấy đã phôi thai ở Âu Châu vào cuối thời Trung cổ; rồi về mặt tinh thần nó đã được thiết lập vào thế kỷ 17; sau cùng nó đã bành trướng rộng rãi từ cuối thế kỷ 18. Sức bành trướng ấy lại lan rộng gấp rút từ vài chục năm gần đây thôi.

Thời trục.

Ta hãy xét riêng giai đoạn thứ ba nghĩa là chung quanh 500 năm trước Tây lịch.

Hegel nói: “Tất cả lịch sử đều hướng về đấng Kyto và do Ngài mà phát xuất. Sự xuất hiện của Thiên tử chính là trục lịch sử nhân loại vậy“.

Chính lối tính niên kỷ hằng ngày của ta bây giờ cũng chứng minh rằng: Kitô giáo đã đem Sử quan của riêng mình ra chi phối toàn cả lịch sử nhân loại. Nhưng Sử quan ấy chỉ giá trị cho những tín hữu kitô mà thôi. Đó là khuyết điểm của nó. Vì ngay ở Tây phương, khi quan niệm lịch sử theo những phương pháp khách quan, người ta cũng không đếm xỉa gì đến Sử quan ấy. Vì thế, họ mới phân ra một bên là Thánh sử, một bên là Tục sử với ý nghĩa riêng biệt của mỗi bên.

Hơn nữa, giả như có một thời trục lịch sử thì có lẽ phải nói rằng: nó nằm trong tục sử (chứ không nằm trong thánh sử). Vì chỉ ở đó một cách rõ rệt, thời trục ấy mới có thể là một sự kiện có giá trị đối với mọi người, kể cả các tín hữu.

Thời trục ấy còn bó buộc mọi người phải công nhận, cả bên Đông phương cả bên Tây phương, mà không cần sự can thiệp của một tín điều này hay một tín điều khác.

Có thể, tất cả mọi dân tộc mới tìm ra được một khuôn khổ chung để họ hiểu rõ hơn lịch sử của họ.

Vậy với ta hình như Thời trục đã xuất hiện khi sức mạnh tinh thần phát triển vào khoảng năm 800 và năm 200 trước Tây lịch. Vì lúc ấy là lúc xuất hiện con người đích thực, mà chúng ta còn chịu ảnh hưởng cho đến ngày nay. Chúng ta hãy tạm gọi đó là Thời trục.

Ở thời ấy, đã song song xảy ra những phép lạ phi thường ví dụ bên Trung hoa có Khổng tử, Lão tử ra đời và thấy xuất hiện nhiều khuynh hướng triết lý rất đặc sắc của Trung hoa. Cũng là lúc Mặc tử, Trang tử, Liệt tử với nhan nhản những triết gia khác đang truyền bá tư tưởng của họ.

– Bên Ấn độ, lúc ấy là thời kinh Upanishads được biên soạn và là thời đại của Phật Thích Ca. Ở đây thấy người ta đã khai triển mọi khả năng triết lý cho tới cả Hoài nghi và Duy vật chủ nghĩa hay cả đến Ngụy luận thuyết và Hư vô thuyết, như trường hợp nước Tàu.

– Ở Ba tư, Tiên tri Zarathoustra rao giảng Vũ trụ quan bi thảm của ông, vì theo ông Vũ trụ này luôn luôn bị phân tranh, xâu xé giữa hai sức mạnh mâu thuẫn nhau là Thiện và Ác.

– Rồi ở Palestine thấy xuất hiện những tiên tri từ Elie qua Esale và Jeremie cho tới Esale hai.

– Bên Hi lạp thì có Homere, những triết gia như Parmenide, Heraelite, Platon, những Bi kịch gia, rồi Thucydide và Archimede. Những tên tuổi ấy mới gợi lên được phần nào những gì cao cả đã xuất hiện trong mấy thế kỷ ấy, hầu như đồng nhịp ở Trung hoa, Ấn độ và Tây phương mà những nhân vật ấy lại không biết nhau.

Vậy điểm đặc sắc nhất của thời trục là đâu đâu cũng thấy con người ý thức về toàn diện sự hữu, về chính họ và về những giới hạn của họ, nghĩa là con người kinh nghiệm thấy cuộc đời đầy nguy hiểm và thấy mình lại bất lực. Nên họ mới đặt ra những câu hỏi thiết yếu và quyết liệt và khi thấy mình đứng trước vực thẳm mở rộng, con người ước mong được giải thoát và được cứu rỗi. Rồi mỗi khi ý thức được giới hạn của mình, con người mới đồng thời theo đuổi chuẩn đích cao cả tuyệt vời. Và trong ý thức sâu thẳm của chủ thể dưới ánh sáng của Siêu việt thể, con người đã bắt gặp được tuyệt đối.

Lúc ấy người ta cũng đã thử nghiệm những con đường mâu thuẫn nhau như tranh luận hay phân đảng phái hay chia rẽ nhau không còn nhất trí trong tinh thần nữa (tuy nhiên sự nhất trí này vẫn còn thấy hiện ra rõ rệt, trong cả những phán quyết trái ngược nhau).

Tóm lại tất cả những con đường mâu thuẫn trên đã gây ra trong lòng người lo âu và xao xuyến trầm trọng có thể dẫn đến một tình trạng hỗn loạn về tinh thần.

Tiếp đó cũng đã thấy xuất hiện những phạm trù căn bản mà ngày nay chúng ta vẫn còn phải theo để tư tưởng. Rồi cùng lúc các tôn giáo lớn cũng xuất hiện để nâng đỡ cuộc đời ta.

Đó là một diễn biến khủng hoảng và tiếp đó những gì xưa nay được vô tình chấp nhận như bất khả kháng ví dụ những quan niệm, những phong tục, những hoàn cảnh xã hội thì bây giờ lại bị hoài nghi hết.

Nói tóm, mọi sự như bị một cơn lốc bất nhân lôi cuốn đi hết.

Như thế, giai đoạn huyền thoại với những chân lý vẫn được coi là hiển nhiên của nó đã phải chấm dứt. Và một cuộc tranh chấp đã mở màn nghĩa là sức mạnh của lý trí và thực nghiệm khoa học đứng ra chống lại những người thờ ma quỷ hay chống lại những tà thần vì căm thù. Lúc ấy là lúc những huyền thoại cũ phải thay đổi và được cải thiện để mang một hình thức sâu xa, mới mẻ hơn, ngay chính lúc mà toàn diện huyền thoại bị tiêu diệt.

Do đó, con người không còn tự mãn với chính mình nữa, vì khi cảm thấy mình lung lay họ mới tự cởi mở ra với những khả năng mới mẻ vô hạn.

Đây là lần đầu tiên thấy xuất hiện các Triết gia nghĩa là những con người sống biệt lập, dám can đảm chỉ tự tin vào có chính mình. Nếu thế, về điểm này ta thấy không có gì khác nhau giữa những ẩn sĩ và triết gia du mục Trung hoa, các nhà khổ tu ở Ấn độ, các triết gia Hi lạp, các tiên tri Do thái, tuy tín ngưỡng, lối sống và con đường nội tâm của họ rất khác nhau. Ở đây con người có thể tự nội tâm thoát ly trần gian và nhìn trần gian toàn diện trước mắt. Vì tự trong họ, họ đã khám phá ra được nguồn suối nguyên thủy giúp họ vượt lên trên chính mình và lên trên cả thế gian.

Đồng thời họ cũng ý thức được cả lịch sử nghĩa là họ thấy rằng: ở Thời trục này đang mở đầu một cái gì lạ lùng, nhưng đồng thời họ cũng cảm thấy và nhận ra rằng: trước đây đã có một dĩ vãng dài dòng vô hạn. Vì ngay lúc đầu ý thức thực sự, trí khôn con người đã cảm thấy mình mang nặng những hoài niệm của dĩ vãng và họ cũng nhận thấy mình là kẻ đến trễ trong dòng lịch sử và lắm khi còn có cảm tưởng là mình sa đọa nữa.

Rồi họ còn nghĩ ra muôn vàn kế hoạch để chi phối diễn tiến của các biến cố, và lần đầu tiên họ còn muốn khôi phục hay thực hiện những điều kiện xã hội theo sở thích của họ. Họ còn tưởng tượng ra những phương pháp hoàn hảo nhất để tổ chức cuộc sống cộng đồng giữa người với người, để điều hành và cai trị nó.

Nói tóm, họ đã có những ý tưởng; cải cách thúc bách họ hành động.

Cả hoàn cảnh xã hội cũng thấy có những điểm tương đồng giữa ba nền văn minh nghĩa là đâu đâu cũng thấy xuất hiện những quốc gia nhỏ bé và những đô thị lớn cạnh tranh với nhau, nhưng chính nhờ đó lịch sử loài người mới được phồn thịnh phi thường.

Nhưng không phải vì thấy xuất hiện ở đây một tiến triển trường kỳ mà lầm tưởng rằng: thời trục là một quá trình thăng tiến liên lỉ. Vì thực sự chính lúc ấy vừa thấy sáng tạo nhưng cũng vừa thấy phá hoại, mà không bao giờ chung kết cả. Và tuy người ta đã thực hiện được những khả năng cao cả nhất nơi những cá nhân biệt lập, nhưng những thực hiện ấy đã không bao giờ trở thành di sản chung cho mọi người được. Vì những gì lúc ban đầu được coi là tự do hành động thì về sau đã trở thành phóng đãng, hỗn loạn,

Và khi thời trục không còn đủ sức khích lệ sáng tạo nữa thì trong cả ba nền văn minh đều thấy những tư tưởng về sau biến thành những tín điều khô cứng.

Lúc đó là lúc mọi sự bị san phẳng toàn diện.

Rồi khi mọi sự bị tháo thứ quá mức như vậy, người ta lại mới cảm thấy cần phải đoàn kết để xây đựng lại những căn bản vững chãi.

Nói tóm giai đoạn kết thúc trước hết có tính cách chính trị.

Thực vậy, vì đồng thời ở Trung hoa (với Tần thủy Hoàng đế), ở Ấn độ (dưới triều Mauryas) và ở Tây phương (với những đế quốc Hi lạp và La mã) thấy xuất hiện những đế quốc rộng lớn và hùng mạnh. Đâu đâu, trong lúc suy vong này, người ta cũng đều cố gắng thực hiện cho kỳ được, một trật tự, một tổ chức kỹ thuật theo những dự án nhất định.

Thời đại chúng ta.

Cho tới thời đại chúng ta, sức sống tinh thần của nhân loại vẫn còn phải được chi phối do Thời trục. Nên ở Trung hoa, Ấn độ và Tây phương, người ta mới cố gắng trở về với dĩ vãng ấy; những cố gắng trở về ấy thường được mệnh danh là những thời Phục hưng. Tuy về sau cũng thấy xuất hiện nhiều sáng tác tinh thần vĩ đại, nhưng thực sự chúng đã được khích lệ do sự hiểu biết những giá trị đã tìm ra ở thời trục.

Nói tóm, quá trình lớn của lịch sử đã mở màn từ giai đoạn đầu tiên lúc con người ý thức được chính mình và trải qua những nền văn minh đồ sộ ở thời Thượng cổ, cho tới thời trục. Và những giá trị thu lượm được ở thời kỳ này vẫn còn phong phú mãi cho tới thời đại của ta.

Nhưng từ đó trở đi hình như thấy hé mở một quá trình mới. Quá trình này chính là quá trình khoa học kỹ thuật. Nó mở màn cho một khởi điểm mới khác, chỉ có thể so sánh nó với thời kỳ con người khám phá ra những dụng cụ thông thường và lửa.

Vậy căn cứ trên luật tương đồng, ta có thể ước đoán rằng: (sau thời trục) chúng ta cũng sẽ gặp và trải qua những tình trạng hỗn loạn lúc mọi sự bị san phẳng ở thời Thượng cổ, cũng y như ở Ai cập. Vì đối với nước này khi người Do thái xưa đi nơi khác và đã được định cư rồi thì họ tởm gớm Ai cập coi Ai cập như một nhà tù.

Có lẽ trong khi đang trải qua những tổ chức (chính trị) khổng lồ kia, nhân loại cũng đang tiến về một thời trục mới khác. Tuy xem ra còn xa xăm, chưa có gì rõ rệt, khó tưởng tượng nổi, nhưng chắc chắn thời trục ấy sẽ chứng kiến sự phục hồi đích thực của con người.

Nhưng hiện giờ chúng ta đang trải qua một thời đại đầy tai họa kinh hoàng. Và hình như tất cả những gì đã qua rồi phải được đúc lại hoàn toàn, nhưng ta vẫn chưa thấy rõ được những nền tảng của cơ sở tương lai đó ra sao cả.

Một đặc điểm mới mẻ nữa là ngày nay lịch sử ở thời đại lần đầu tiên đã trở thành một lịch sử chung cho cả thế giới, vì nhờ những phương tiện giao thông dễ dàng, thế giới đã gần gũi nhau kết thành một khối nhất trí. Đứng trước lịch sử nhất trí ngày nay, lịch sử đã viết từ trước tới ta chỉ còn là một mớ những mẩu sử địa phương rất hẹp hòi.

Nếu vậy những gì xưa nay ta gọi là “Lịch sử” không còn nghĩa nữa. Vì giữa hàng mấy trăm ngàn năm Tiền sử (là thời loài người lan tràn ra khắp mặt địa cầu) và thời đại chúng ta, lúc bắt đầu lịch sử đích thực, thì đã xuất hiện một “giây lát” gồm 5.000 năm. Nhưng sánh với Tiền sử trước nó và những thời gian tương lai khả thể, 5.000 năm ấy mới chỉ là một nháy mắt. Vì vậy những gì ta gọi là “lịch sử” ngày nay phải mang một ý nghĩa mới: đó là việc con người cố gắng tìm gặp nhau, đoàn kết với nhau để hoạt động trong viễn tượng lịch sử cho cả thế giới. Và nhờ đó loài người sẽ có thể chuẩn bị đầy đủ về phương diện tinh thần cũng như kỹ thuật để tiến xa hơn nữa.

Nhưng ngày nay chúng ta mới bắt đầu mà thôi.

Vậy hiện trong lúc này, chúng ta như đang muốn nhìn mọi biến cố của thời đại ta với con mắt đầy bi quan hay như thấy toàn cả lịch sử nhân loại đã bị tiêu ma hết. Nhưng chúng ta phải hướng về những chân trời đầy tương lai kia. Và chúng ta được quyền hi vọng vào những khả năng tương lai của nhân loại. Trong khi nhìn gần quá, thì hình như mọi sự đều đen tối, nhưng nếu ta biết lùi xa ra thì mọi sự sẽ ra khác hẳn.

Vậy muốn chắc tâm hi vọng như thế chúng ta còn cần tới những tiêu chuẩn mà lịch sử thế giới đem lại cho ta.

Tóm lại, chúng ta càng có quyền hi vọng vào tương lai nếu ta càng dấn thân nhiều hơn vào hiện tại, nghĩa là nếu ta biết tìm chân lý và những tiêu chuẩn giá trị trong thân phận con người.

Đi tìm ý hướng lịch sử.

Người ta thường muốn đi tìm ý hướng lịch sử.

Nhưng những ai cho rằng: lịch sử hướng về một mục đích thì họ rất sẵn sàng chỉ nghĩ đến mục đích ấy và lo phác họa những kế hoạch để đạt được mục đích ấy.

Nhưng làm thế họ càng tỏ ra bất lực. Vì đã có những con người nắm vững được sức mạnh trong tay tự phụ hiểu thấu được toàn diện lịch sử, nên họ đã phác họa những kế hoạch táo bạo phi thường, nhưng họ đã thất bại thảm thương!

Có người khác lại phác họa những kế hoạch trong khuôn khổ hạn hẹp giữa những bạn bè tư nhân, nhưng họ cũng thất bại; hoặc là vì hoàn cảnh chi phối họ chỉ đạt được một mục đích khác hẳn và có một ý nghĩa khác hẳn với dự tính trong kế hoạch của họ. Vì dòng lịch sử như một bộ máy khổng lồ có thể nghiền nát tất cả mọi sự không trừ một cái gì cả. Hay dòng lịch sử còn là một ý nghĩa có thể giải thích được muôn ngàn cách, nó xuất hiện ra qua muôn vàn biến cố bất ngờ, là một ý nghĩa hàm hồ, một ý nghĩa không bao giờ ta khám phá nổi dù rất tin tưởng vào nó.

Vậy nếu muốn ý nghĩa lịch sử phải là thực hiện cho ta một trạng thái hạnh phúc chung cục ở trần thế này, thì trí khôn ta không tài nào hình dung ra được trạng thái ấy và cũng không có một dấu hiệu tiên báo nào trong lịch sử đã xảy ra như thế cả, kể từ trước tới giờ.

Đàng khác tất cả lịch sử loài người còn nói ngược lại ý tưởng trên nữa, diễn tiến của lịch sử xưa nay thường gặp những quãng đường gồ ghề không thành công gì lắm và nhiều khi còn gặp đổ nát hoang tàn.

Vì vậy khi phải trả lời câu: ý hướng lịch sử là gì? Ta không được đề xướng ra những kế hoạch làm mục đích phải theo.

Vì mỗi mục đích đều riêng biệt, tạm thời và có thể bị vượt qua.

Vì sắp đặt tất cả lịch sử theo duy có một tiêu chuẩn nào đó rồi coi điểm đó có giá trị chi phối tất cả mọi sự, là đã mặc nhiên loại bỏ những gì thiết yếu rồi.

Vậy Thiên chúa chờ đợi gì nơi con người? Có lẽ ta có thể quan niệm lịch sử một cách rộng rãi và không cố định như sau: lịch sử là chỗ con người tự thể hiện ra họ là gì? Họ sẽ có thể như thế nào? Và sẽ trở nên gì? Và họ có thể làm gì?Và trong thân phận làm người khi bị đe dọa, bấp bênh hơn hết lại chính là lẽ sống của con người. Vì khi phải theo đuổi những gì cao cả hơn cho kiếp người thì sự an ninh bảo đảm chưa phải là tiêu chuẩn duy nhất.

(Không những là chỗ con người tự thể hiện ra) Lịch sử còn hàm chứa một ý nghĩa sâu xa hơn nghĩa là nó còn là chỗ Thiên chúa thể hiện ra. Ngài thể hiện ra với mỗi con người, nhưng mỗi con người lại liên hệ với nhiều người khác. Vì Thiên chúa không thể hiện trong lịch sử một cách độc chiều: mặc nhiên mỗi người đều liên lạc trực tiếp với Thiên chúa.

Tuy lịch sử hiện ra rất phức tạp và tản mát vô cùng, nhưng đâu đâu cũng vẫn thấy những gì bất khả thay thế, những gì không do cái gì khác mà có, vẫn có quyền tồn tại.

Nhưng nói thế cũng vẫn chưa có gì rõ rệt. Vì người ta chỉ mới có thể nói rằng: nếu những gì con người muốn chỉ là làm sao đạt được hạnh phúc thực tế để làm lý tưởng hoàn bị ở trần gian này và tưởng tượng trước cho con người một số điều kiện sống như thiên đàng thì không có gì đáng ước vọng cả; nhưng lại rất đáng ước vọng nếu đó là những gì quan trọng cho họ nghĩa là những miền sâu trong cuộc sống của họ nơi họ tự cởi mở ra trong niềm tin đối với Thiên chúa.

Hay cũng vẫn chưa có gì rõ rệt, nếu chỉ nói được rằng: không có gì đáng ước ao cả nếu tôi chờ đợi những gì tự ngoài mà đến.

Trái lại, tôi có thể ước ao tất cả nếu tự trong tôi, tôi biết tin tưởng vào Siêu việt.

Sự hợp nhất của nhân loại.

Theo những điều nói trên, ta đã không thể minh định rõ được mục đích cuối cùng của lịch sử, nhưng ta lại có thể minh định được một mục đích như sau, vì chính nó là điều kiện ta phải thực hiện để những khả năng cao cả nhất của con người được mở ra với ta:

Mục đích đó là phải hợp nhất cả nhân loại với nhau.

Nhưng hợp nhất ở đây không phải là tìm ra một lý thuyết tổng quát căn cứ trên khoa học. Vì làm thế mới chỉ là đoàn kết loài người trên phương diện lý thuyết mà thôi, chứ chưa đoàn kết được tất cả con người.

Hợp nhất cũng không phải bằng một tôn giáo chung nào cả, như người ta có thể đồng thanh thiết định những kiến nghị ở những đại hội nghị các tôn giáo.

Hợp nhất cũng không phải bằng những ước lệ mà người ta thường giao với nhau qua ngôn ngữ lý trí.

Trái lại, hợp nhất này chỉ có thể thực hiện được từ những nguồn sâu thẳm của lịch sử tính. Nó không thể là kiến thức chung cho mọi người mà nó chỉ thể hiện qua sự thông cảm không bị hạn hẹp giữa những người khác nhau về lịch sử, nhưng họ có thể đối thoại với nhau mà không thể đi tới một kết luận chung cục. Và càng tiến triển, cuộc hội thoại ấy càng trở thành một chiến đấu si tình.

Nhưng để sự thông cảm đích thực ấy có thể thực hiện được thì cần phải có một bầu khí rộng rãi, cởi mở không có gì gò bó, áp bức.

Theo đó có thể tưởng tượng ra được một nhân loại hợp nhất với nhau để chinh phục nghĩa là để thiết lập một đời sống vững vàng, được bảo đảm về những điều kiện vật chất. Và đó là mục đích mà rất nhiều người đã dày công theo đuổi. Thực ra, đề nghị loài người hợp nhất lại với nhau theo cùng một tiêu chuẩn, để thực hiện những điều kiện sống không phải là một điều hoàn toàn ảo mộng; vì chuẩn đích ấy không hề tự phụ thiết định ra một mớ tín điều chung bắt buộc mọi người phải theo khi họ muốn mở một mặt trận tinh thần cố chấp, và phải vận dụng tất cả những sức mạnh liên đới với hiện hữu trong những hoàn cảnh bất khả kháng.

Vậy điều kiện để thực hiện cho được sự hợp nhất (về những điều kiện sống vừa nói trên) là phải chỉ định ra một hình thức chính trị thích hợp cho mọi người, nhờ đó mọi người không trừ ai có được những bảo đảm tự do rộng rãi nhất.

Hình thức chính trị này, theo nguyên tắc, đã được quan niệm ra ở Âu châu, nhưng đã chỉ được thực hiện phần nào thôi. Đó là hình thức một chính quyền lấy pháp lý làm nền tảng nghĩa là một chính quyền hợp pháp phải được bảo đảm bằng bầu cử và luật pháp; hơn nữa, cả việc thay đổi pháp luật cũng phải dựa theo những đường lối hợp pháp nữa. Ở đây, mọi người đều thi đua tìm xem đâu là chính nghĩa, thi đua thu phục dư luận quần chúng, thi đua tuyên truyền cho nhiều người nhìn rõ vấn đề thời sự và đi cho đúng đường hướng.

Hơn nữa, cũng theo tinh thần trọng pháp luật ấy, chiến tranh cũng phải được chấm dứt trong đường hướng của công pháp quốc tế. Ở đây không một quốc gia nào có quyền tuyệt đối, vì quyền tối cao ấy thuộc tổ chức Quốc tế, duy có nó mới có quyền và có thể bảo vệ được trật tự và điều hành nổi guồng máy pháp lý đó.

Nhưng giả như cả nhân loại đều muốn hợp nhất, hay giả như hết mọi dân tộc đều sẵn sang ngưng không dùng võ lực để thực hiện cho kỳ được một trật tự pháp lý tuy có thể không hoàn toàn công minh, nhưng ít ra cũng có thể đưa tới công bình tương đối hơn; dầu vậy những giả thiết ấy có đáng lạc quan mấy đi nữa, thì ta cũng không thể tin ngay rằng: tương lai sẽ đem lại cho ta một giải thoát.

Trái lại, có khi ta còn phải nghĩ ngược lại. Vì ai ai cũng đều biết rằng: bao giờ chúng ta cũng muốn thắng thế với bất cứ giá nào; rồi lắm khi chính vì thế mà ta không còn đủ sáng suốt; hơn nữa, ta còn có thể ngụy biện đến nỗi lại dùng chính triết lý (là hi vọng ánh sáng) đề làm mờ ám chân lý; sau cùng, thay vì hợp nhất ta còn ham gây chia rẽ, bài ngoại.

Tóm lại chúng ta thường muốn dùng sức mạnh và bạo lực.

Quần chúng cũng thế, họ liều lĩnh muốn gây chiến, vì họ mù quáng hi vọng lợi lộc và man rợ ưa thích mạo hiểm, nên họ sẵn sàng hi sinh tất cả và còn dám liều chết nữa. Vả lại, cũng chính nơi quần chúng ấy ta thấy họ không biết sẵn sàng xả kỷ, không biết tiết kiệm, không biết nhẫn nại, không biết thanh bình xây dựng một trật tự xã hội vững chãi. Trái lại, chỉ toàn thấy những thú tính nơi họ phát xuất ra qua những cuồng lực và chỉ thấy mở ra một con đường đi xuyên qua mọi ngoắt ngoéo của tinh thần mà không gặp một trở lực nào.

Sau cùng, hãy bỏ ra ngoài tính cách bất công nội tại trong tính tình con người, ta còn thấy bất công nằm sâu trong mọi thể chế xã hội. Hơn nữa, trong một số hoàn cảnh, có những vấn đề không thể giải quyết bằng công bình được ví dụ trong tình trạng nhàn mãn, không thể nào phân chia dân cư cho công bằng đều được; hay khi một cá nhân nào đó đã sở hữu được một đồ vật quý báu nào đó, rồi ai ai cũng đều muốn có của đó thì làm sao chia cho bằng được?

Vì thế, hình như bao giờ cũng vẫn còn những tình trạng bế tắc nan giải lúc ấy là lúc bạo lực có thể tái diễn bất cứ dưới hình thức nào.

Nên một lần nữa ta lại phải tự hỏi: không biết có phải Thiên chúa thống trị hay quỷ thầnthống trị trần gian này? Và chỉ có một Niềm tin (tuy khó biện chính) mới cho ta quyền quả quyết rằng: tựu chung thì quỷ thần phải phục vụ Thiên chúa.

Vượt lên trên lịch sử.

Là những cá nhân biệt lập, lắm khi ta mường tưởng rằng: cuộc đời của ta đang chảy trôi như một chuỗi những giây lát đang nối tiếp nhau và xen kẽ đầy những tình cờ và biến cố mâu thuẫn nhau. Đang khi ấy lịch sử hình như muốn chấm hết để chỉ còn lưu lại một cảnh hỗn độn.

Chính lúc ấy là lúc chúng ta muốn lấy đà để vươn lên trên mọi thực tại lịch sử.

Tuy chúng ta phải ý thức thời đại và hoàn cảnh chúng ta là gì? Vì một triết lý hiện tại không thể không chú ý và minh giải rằng: mỗi con người đều đã sinh ra trong một thực tại của một thời và một nơi nhất định nào đó.

Nhưng cho dù chúng ta có lệ thuộc những điều kiện của thời đại, điều đó không có nghĩa là những điều kiện ấy là những cảm hứng cho ta biết triết lý; trái lại, cũng như mọi thời đại khác, cố gắng triết lý là do ở bao dung thể mà đến. Vì nhiệm vụ xây dựng bản lĩnh ta, ta không được quyền đổ thừa cho thời đại, và ta cũng không được phép lệ thuộc nó.

Trái lại, trong khi cố gắng luôn luôn nhìn rõ vào thời đại, ta còn phải cố gắng vươn ra ngoài xa nữa để gặp được căn bản sâu xa, nơi cuộc đời ta có thể bám rễ được.

Nhưng cũng không vì thế mà được thần hóa lịch sử, vì ta không bó buộc phải công nhận ý kiến ngỗ nghịch cho rằng: lịch sử thế giới là một cuộc chung thẩm. Không! Lịch sử không phải một chung thẩm hay tòa án tối cao.

(Nếu vậy có thể lịch sử sẽ là một thất bại) Nhưng không được lấy thất bại làm chứng lý để nhờ đó chống lại chân lý căn cứ trong Siêu việt thể.

Tóm lại, trong khi sống đầy đủ ý nghĩa của lịch sử, ta còn phải vượt qua lịch sử để vươn lên tới đời đời.


[1] Hình thái học (morphologie) một ngành của Sinh vật học, chuyên về hình thức bên ngoài của các sinh vật và về cơ cấu và tổ chức những cơ thể bên trong của chúng.

Lê Tôn Nghiêm dịch
Nguồn: triethoc.edu.vn


Click to listen highlighted text!