Welcome to Nguyễn-Thái-Học Foundation   Click to listen highlighted text! Welcome to Nguyễn-Thái-Học Foundation

Đông Kinh nghĩa thục và tư trào khải mông đầu thế kỷ XX


Trần Đình Hượu (1927-1995)

     Mùa xuân năm 1907 đã xảy ra một sự kiện có tiếng vang rộng lớn trong đời sống văn hoá tư tưởng: Trường Đông Kinh nghĩa thục khai giảng ở Hà Nội. Theo giấy phép của chính quyền thực dân thì đó chỉ là một trường tư thục cấp sơ học, dạy cả chữ Quốc ngữ, chữ Pháp và chữ Hán. Nhưng trong thực tế thì đó lại là một trung tâm tập hợp những nhà Nho duy tân, truyền bá một khuynh hướng tư tưởng mới tập hợp những người yêu nước, hô hào làm công cuộc cải cách  nhiều mặt để làm cho đất nước đi đến độc lập và phú cường. Đông Kinh nghĩa thục là bộ mặt công khai của một phong trào chính trị bí mật hoạt động trước đó ba bốn năm. Nó cũng là đỉnh cao của một trào lưu tư tưởng đã hình thành trước đó non chục năm.

     Năm 1904, Phan Bội Châu, Nguyễn Hàm và các nhà yêu nước khác đã thành lập Tân Đảng. Tân Đảng đã cử Phan Bội Châu sang Nhật cầu viện. Tiếp theo Phan Bội Châu, Cường Để, Nguyễn Thượng Hiền và cả Phan Châu Trinh cũng đã sang Nhật tìm đường cứu nước. Nhiều lớp thanh thiếu niên khắp nước đã đi theo gót chân của các bậc đàn anh đó, gây thành phong trào Đông du sôi nổi. Phong trào cứu nước bằng con đường du học đó đã khác hẳn với phong trào cứu nước bằng khởi nghĩa Cần Vương cuối thế kỷ trước. Gây nên sự đổi thay như vậy là luồng tư tưởng theo tân thư, tân văn – sách mới, báo mới – từ Trung Quốc tràn vào.

    Giữa thế kỷ XIX, trước việc các nước đế quốc phương Tây tranh nhau chia cắt châu Á làm thuộc địa thì Nhật Bản đã sớm rút ra được bài học Âu hoá. Sau ba mươi năm cải cách, Nhật Bản đã trở nên phú cường, chen vai thích cánh với Anh, Nga, Pháp, Đức, chiếm Đài Loan, Cao Ly làm thuộc địa. Công cuộc duy tân của vua Minh Trị ở Nhật Bản kích thích giới sĩ phu Trung Quốc. Họ cũng đề xướng Duy Tân theo gương Nhật Bản, gây thành cuộc chính biến năm Mậu Tuất (1898). Sách mới, báo mới phản ánh tư tưởng của giới sĩ phu đòi duy tân, cải cách ở Trung Quốc theo con đường của Hoa Kiều mà đến tay các nhà Nho Việt Nam. Luồng gió theo Tân thư, Tân văn từ Trung Quốc thổi vào làm lay động cách suy nghĩ cũ, thôi thúc sĩ phu yêu nước nước ta hướng về con đường mới mẻ đó ở các nước đồng văn. Duy Tân là một xu thế không thể cưỡng lại được của cả châu Á trước thế giới hiện đại, trước sự xâm lược của chủ nghĩa đế quốc phương Tây, trước sự tràn lan của văn minh phương Tây. Ở Việt Nam, luồng gió đến muộn. Các nhà Nho Việt Nam là những người tỉnh giấc sau. Không phải ta tiếp xúc với phương Tây chậm hơn; hơn nữa với phương Tây, ta lại phải nếm trải một cảnh ngộ cay đắng hơn so với Nhật Bản và Trung Quốc. Nhưng phải đợi sau khi nước đã mất, nền thống trị thực dân đã ổn định, thực tế phát triển giao thông, bưu điện, công thương nghiệp ở các thành phố, các nhà Nho mới kịp nhìn ra thực tế khác trước. Tân thư, tân văn đến với họ, và với lời văn kích động, nó chỉ cho các nhà nho nước ta không chỉ là cảnh văn minh rực rỡ của Âu Mỹ mà còn chỉ ra nguy cơ diệt chủng của các nước da vàng. Sốt ruột, hoảng hốt, sợ chạy chữa không kịp, các nhà Nho yêu nước trẻ tuổi lao mình vào con đường mới, học theo gương mặt Nhật Bản, Trung Quốc, cũng không nghĩ đến chỗ đặt ra những vấn đề gì khác. Tân thư, tân văn theo con đường của các Hoa Kiều vào các đô thị lớn nên nhiều nhà nho ở Hà Nội, Huế, Đà Nẵng hầu như tiếp nhận nó đồng thời. Có sớm hơn chăng là Nguyễn Thượng Hiền, người sống nhiều năm ở cả Hà Nội và Huế, đã rảnh rỗi về việc thi cử  lại có uy vọng lớn để có nhiều quan hệ rộng rãi đón nhận thông tin và sách vở từ Nguyễn Lộ Trạch đến Tăng Bạt Hổ. Nguyễn Thượng Hiền đã đưa tân thư cho Phan Bội Châu đọc, nhiều nhà khoa bảng khác có thể cũng làm quen với những tư tưởng mới qua ông. Nhưng Nguyễn Thượng Hiền cũng không đóng vai trò người tiên phong chỉ đường. Những năm đầu thế kỷ, tư tưởng mới đã thấm sâu vào nhiều người. Bước vầo hành động, Phan Bội Châu đã viết Lưu Cầu huyết lệ tân thưPhan Châu Trinh đã bắt đầu cùng Trần Quý Cáp , Huỳnh Thúc Kháng vận động cải cách văn hoá xã hội ở Quảng Nam. Đông Kinh nghĩa thục là đỉnh cao và là bước phát triển mới, bước phát triển cuối cùng của tư trào đó.

    Đối với lịch sử tư trào duy tân của cả châu Á, các nhà Nho yêu nước Việt Nam không đặt thêm vấn đề gì mới nhưng khi tiếp cận nó, họ lại vận dụng nó để giải quyết một thực tế khác với Trung Quốc và Nhật Bản: giành độc lập.

    Lựa chọn con đường duy tân Âu hoá, Nhật Bản và Trung Quốc cũng nhằm mục đích bảo vệ độc lập, chống sự nô dịch thực dân của các nước phương Tây. Nhưng ở các nước đó, giai cấp tư sản phát triển cao hơn. Với con mắt giai cấp tư sản, thực trạng xâm lược của chủ nghĩa đế quốc phương Tây không những được nhìn rõ hơn mà cũng khác ta. Các nước Anh, Pháp, Đức, Nga sa hoàng chiếm thuộc địa, giành giật thị trường châu Á là thực hiện cuộc cạnh tranh sinh tồn theo lẽ tự nhiên giữa các chủng tộc. Các nước da vàng nếu không biết duy tân, tư sản hoá, học theo Âu Mỹ thì không chỉ mất độc lập  mà còn bị diệt chủng. Điều đó cũng là theo luật tự nhiên. Cho nên duy tân là để làm cho nước nhà phú cường, để tham gia vào cuộc cạnh tranh, không chỉ để bảo vệ độc lập chính trị mà còn để bảo vệ chủng tộc. Nhà Nho Việt Nam sau khi mất nước đã thấm thía hậu quả của thực trạng nước nhà nghèo và yếu, rất thiết tha mong ước phú cường. Nhưng họ sống trong cảnh bưng bít, cấm đoán nên chỉ hiểu thực dân Pháp xâm lược võ trang và bóc lột sưu thuế, chưa hiểu nô dịch bằng kinh tế. Họ cũng cảm giác được nguy cơ của chủng tộc  nhưng cũng chỉ hình dung điều đó xảy ra do nguyên nhân chém giết và bóc lột. Với cách phân biệt ta bạn và thù, họ căm thù thực dân Pháp nhưng lại thấy Anh, Đức, Nga là xa vời, ít nhiều thấy các nước đó là thù địch của Pháp. Tuy công cuộc khai thác thuộc địa cũng đã cho họ hình dung ít nhiều cụ thể hơn cuộc sống, kinh tế, văn hoá châu Âu, nhưng Âu hoá cũng là học theo kẻ thù. Có rất nhiều cái vướng mắc, hạn chế nhận thức của họ, nhưng trong lúc ở nước ta kinh tế tư bản chủ nghĩa chưa phát triển, các tầng lớp thị dân còn phôi thai, cả lớp trí thức am hiểu ngôn ngữ, học thuật phương Tây chưa hình thành thì chỉ có các nhà Nho là có khả năng tiếp xúc với tư trào mới. Không những trong xã hội, chỉ nhà Nho mới được rèn luyện để quan tâm đến các việc chung, việc dân, việc nước, mà trong thực tế thì cũng chỉ có họ đọc được tân thư, tân văn, viết bằng chữ Hán. Trên mảnh đất thuận lợi là nhiệt tình yêu nước của các nhà Nho, văn chương cổ động của  Lương Khải Siêu giống như ngòi thuốc súng dẫn lửa vào đám cỏ khô, đưa tư tưởng duy tân đến với những người đầy nhiệt tình và mê văn chương.

    I.- KHẮC NGHIỆT ĐÔNG TÂY. TIẾN HOÁ VÀ VĂN MINH.

    Tuy đã có mấy thế kỷ tiếp xúc với phương Tây, nhưng các nhà Nho nước ta chưa ai chịu khó tìm hiểu về nền văn minh phương xa ấy. Trong tư tưởng, họ vẫn dùng quan điểm phân biệt Hoa Di, coi các nước phương Tây là mọi rợ, chưa được thánh hiền giáo hoá. Từ thế kỷ XVII, XVIII ở Đàng Trong và Đàng Ngoài, chúa Nguyễn và chúa Trịnh đều nhờ thương nhân phương Tây mua tàu, mua súng, nhưng với cách nhìn khinh miệt những người buôn bán cầu lợi, coi thường kỹ xảo và nhất là kỳ thị tông giáo, phương Tây không vì thế mà được coi trọng hơn. Cho đến thé kỷ XIX, khi đã thua trận, các nhà Nho cũng chỉ công nhận bọn “quỷ trắng” có kỹ xảo hơn người mà thôi.

    Khi được các sách báo Trung Quốc giới thiệu, nhất là khi thấy thành quả duy tân của Nhật Bản, các nhà Nho mới tìm hiểu Âu Mỹ. Các cụ bắt đầu đọc lịch sử, địa lý, sách chính trị và khoa học của phương Tây và mới vỡ lẽ ra là các nước đó có một nền văn minh và hơn thế, nền văn minh của họ còn cao hơn văn minh phương Đông. Họ tiến hành việc so sánh hai bên và nhận ra nhiều mặt phương Đông là lạc hậu mà phương Tây là tiên tiến.

    Thực trạng làm họ chú ý, đưa ra so sánh không phải là sự kỹ xảo của người phương Tây mà sự phú cường của các quốc gia phương Tây. Phương Tây sản xuất ra nhiều mặt hàng hoá, tàu bè giao thông buôn bán khắp nơi, có hải quân và lục quân mạnh đi tranh chiếm thuộc địa làm các nước khác phải nể sợ… Thực trạng phú cường đó làm nổi bật sự  hèn kém của các nước phương Đông, không chỉ Việt Nam mà cả Trung Quốc là nước mà các nhà Nho xưa nay vẫn coi là văn minh nhất. Về tư tưởng họ đã gạt bỏ được cái bệnh tự cao tự đại coi mình là nước Hoa Hạ để tự nhìn ra mình thua kém nhiều bề. So với các nhà Nho cuối thế kỷ XIX, thì đây đã là một bước tiến quan trọng. Nhưng cái còn quan trọng hơn là nhìn nhận văn minh là một thực trạng phức tạp, biểu hiện ra nhiều mặt và do nhiều nhân tố tác động lâu dài  gây ra. Cái làm cho các nhà Nho chú ý trong văn minh phương Tây Không phải là tàu đồng, súng lớn, hàng hoá tốt, nghĩa là giàu tài nguyên và lắm kỹ xảo mà là cách tổ chức làm ăn “nông học có hội”, “thương chính có sở”, “công nghiệp có xưởng”, biết dùng cày máy để giúp việc cày, điện khí để làm cho lúa tốt, có hạm đội để hộ thương. Phương Tây phú cường có con người coi nước là nhà “quốc thể tức là gia thể; có tục thượng võ mà quốc hồn tức là gia hồn, có lệ hỗ trái mà quốc mạch tức là gia mạch; có lối kiêm biện mà quốc sự tức là gia sự, có phái tự do mà quốc quyền tức là gia quyền”. Chắc chắn là chưa đâu ở phương Tây lúc đó đã thực hiện được quan hệ mật thiết giữa dân và  nước, giữa dân và nhà nước như vậy và họ cũng không quan niệm con người quan hệ với nước và nhà nước thông qua nhà như vậy, nhưng ý thức về tính tổ chức của xã hội, về vai trò của nhà nước nhất là vai trò kinh tế của nhà nước đã làm nhà Nho thấy sâu sắc tệ nạn của đất nước “ngoài văn chương không có gì là quý, ngoài áp chế không có gì là tôn chỉ, ngoài phục tùng không có gì là nghĩ xa”, mới thấy ra cái vô trách nhiệm của vua quan đối với dân và cái vô trách nhiệm của dân đối với nước. Văn minh không chỉ ở kỹ xảo hay ở sự hùng cường mà nó còn là bước phát triển cao thoả mãn nhu cầu của con người “thân thể được khoẻ mạnh, tinh thần được sảng khoái”; “muốn gạo có gạo, muốn chè có chè, có nhà cửa để che gió che mưa, có khí cụ để cung ứng các thứ nhật dụng, có cha mẹ để yêu ta, có các sư trưởng để dạy ta. Giao thông thuỷ lục, thuyền xe tiện lợi, muốn Đông thì Đông, muốn Tây thì Tây”. Quả có đơn giản nhưng đó cũng là cách hình dung tự do và hạnh phúc của con người. Hướng nhân bản, quy mô quốc gia và yêu cầu hạnh phúc, hạnh phúc vật chất và tự do là những cái mới mà các nhà Nho tìm thấy trong văn minh phương Tây. Chính điều đó mới làm các cụ chê trách ước nguyện được sống thời đại Hy Hoàng.

    Một đổi thay lớn về tư tưởng là cố gắng tìm nguyên nhân. Từ đó làm thay đổi cả quan niệm lịch sử . “Văn minh là gồm các sự kiện thiết yếu như văn tự, pháp luật, giáo dục, luân lý, trồng trọt, chế tạo… gộp chung lại mà thành”; nói cách khác là do nhiều sáng tạo văn hoá, tiến bộ dần không phải là mấy ngàn năm về trước đã làm như thế. Thế giới không phải tuần hoàn, thịnh suy trị loạn đắp đổi mà phát triển, tiến hoá, tiến hoá từ dã man đến văn minh. Châu Âu đã đạt đến trình độ văn minh còn các nước châu Á tuy không còn dã man nhưng cũng chỉ là bán khai, chưa thể coi là văn minh được. Châu Á vốn là “ngọn nguồn văn minh” và nước Đại Nam vốn là nước lớn “trải qua các triều đại vua thánh tôi hiền cùng nhau làm cho thịnh vượng thêm, rực rỡ lên, to tát ra” “các nước trong ngoài đều khen là nước thanh danh văn vật”. Nhưng khai hoá thì rất sớm nhưng tiến hoá thì lại chậm. Trái lại, các nước Âu Mỹ khai hoá rất muộn nhưng tiến hoá lại rất nhanh. Chỗ đáng quan tâm không phải ở cái vinh khai hoá sớm mà ở cái nhục tiến hoá chậm. Chỗ đáng chú ý, phải tìm ra nguyên nhân chính là tình trạng tiến hoá chậm.

    Tiến hoá chậm theo các nhà Nho duy tân lúc ấy là do “từ trong triều đình cho đến ngoài dân đã không có biến cải”, do đặc tính “tĩnh” của văn minh phương Đông . Còn các nước Âu châu tuy “học thuật, chính trị, giáo dục, phong tục không một thứ nào là không đến sau” nhưng lại đi trước, lại có những bước tiến đột khởi vì nền văn minh của họ là “động”. Văn minh do nhiều nhân tố tạo thành nhưng động lực thúc đẩy văn minh là “tư tưởng” và “cạnh tranh”. “Càng tư tưởng thì càng cạnh tranh, càng cạnh tranh thì càng tư tưởng”. Nói theo cách ngày nay thì tư tưởng là suy nghĩ, tìm tòi, nghiên cứu mà cạnh tranh là ganh đua nhau ứng dụng những kết quả của khoa học kỹ thuật. Nhờ sự thúc đẩy lẫn nhau giữa cạnh tranh và tư tưởng nên các môn “thanh học, trọng học, điện học, khoáng học, thương học, khí học, địa dư, thiên văn, toán pháp và cơ khí, không môn nào là không phừng phực nảy ra”. Bước đi từ dã man đến văn minh tuỳ thuộc ở “dân trí từng nước thông hay tắc, nhiều hay ít, chóng hay chậm”. Dân trí biểu hiện ở cạnh tranh và tư tưởng, dẫn đến sự phát triển các khoa học, và nhờ vậy, nước đó đi đến “chỗ cực điểm văn minh”. Con người có một thiên tính thúc đẩy sự tiến bộ đó là tâm lý “không biết đủ”. Đã đẹp lại còn mong đẹp hơn. Đã khéo lại còn mong khéo hơn. Đã yên vui lại còn mong yên vui hơn. Hôm qua cho là đúng, hôm nay lại cho là sai. Biết sai mà sửa lại cho tốt. Không biết đủ hay không chịu thoả mãn, dừng lại ở hiện trạng lại dựa vào một năng lực khác: “năng lực bắt chước” để tiến bộ. “Tự cho là đã đẹp, đã khéo nhưng trong thời đại vạn quốc đã giao thông, kiến thức càng mở rộng thì thấy có kẻ đẹp hơn, khéo hơn tất nhiên vẫn bắt chước để toại cái tâm lý bất tri túc”. Không ngừng cầu tiến và cải tiến là con đường dẫn tới văn minh. Luôn luôn cầu tiến và cải tiến sẽ làm cho văn minh phát triển không ngừng, nói theo các cụ là “văn minh không có giới hạn”. Có thể nói một nước “đã được khai hoá toàn bộ” mà không thể nói một nước nào là “cực điểm văn minh”. Các nước Âu Mỹ “có chế tạo tinh vi, pháp luật hoàn bị, giáo dục phổ cập, giao thông đầy đủ. Thế mà nhà tù chưa hết. Người ốm đau khổ sở, kẻ hung hãn, dân không biết chữ đâu đã xoá hết”. Như thế thì cũng chưa phải là hoàn toàn văn minh.

    Với những điều vừa trình bày, các nhà Nho duy tân không chỉ thay đổi cách nhìn nhận đối với xã hội lý tưởng mà còn thay đổi cả cách nhìn lịch sử. Không có một xã hội tận thiện tận mỹ như các nhà Nho xưa nói về thời Đường Ngu. Thời thái cổ không thể tốt đẹp hơn hiện tại và tương lai. Lịch sử không vận động theo lối tuần hoàn, thịnh suy, trị loạn đắp đổi để quay về với Đạo, quay về thời thịnh trị Nghiêu Thuấn. Lịch sử không theo sự sắp sắp đặt của Thiên mệnh và cũng không trông cậy ở các thánh vương biết bắt chước Trời. Văn minh là làm cho con người hạnh phúc và tự do, đất nước phú cường, cho nên để xây dựng xã hội như thế không thể trông chờ vào kết quả tu dưỡng đạo đức. Không phải với con người tốn nhượng, bất tranh, không chạy theo lợi mà có văn minh. Trái lại, con người có cạnh tranh cầu tiến, cải tiến xã hội thì mới có tiến hoá. Các nhà Nho duy tân đã phê phán những quan điểm khá cơ bản của học thuyết Nho giáo  về xã hội và lịch sử. Họ đã tiếp nhận tiến hoá luận của Đác uyn là học thuyết vào thời đó đang có ảnh hưởng lớn. Với tri thức và cách suy nghĩ nhà Nho, họ không chú ý phần liên quan đến khoa học tự nhiên mà chỉ chú ý phần liên quan đến xã hội, phần mà học thuyết Đác uyn có sai lầm, nhược điểm.

    Vào đầu thế kỷ XX, những kiến giải như vậy đã là lạc hậu và quá sơ lược, đơn giản. Nhưng đối với tư tưởng nước ta và với phương Đông nói chung thì đó là một bước ngoặt, một cuộc cách mạng thực sự. Phủ định những khuôn vàng thước ngọc của thánh hiền, đối với nhà Nho là tự phê phán, tự lột xác. Nhận ra phương Tây cũng có những thánh hiền, những đại trước tác không những là thay đổi một cách nhìn thiển cận mà thực sự là giải phóng tư tưởng, mở rộng tầm mắt.

    II.- DÂN CHỦ VỀ CHÍNH TRỊ VÀ KHẢI MÔNG[1] VỀ TƯ TƯỞNG.

     Nhà Nho Việt Nam nhìn ra phương Tây khi nước đã mất, qua hơn nửa thế kỷ đấu tranh anh dũng mà kháng chiến Cần Vương vẫn thất bại, khổ nhục của tình cảnh mất nước và làm dân thuộc địa càng ngày càng đè nặng. Họ vốn là những người quan tâm nhiều về đạo đức và chính trị, nên trong cái thế giới mới lạ là phương Tây, họ cũng chú ý tới những mặt đó, nhìn theo con mắt đó. Cái làm các nhà Nho duy tân quan tâm ở đây là chế độ dân chủ. “Trên có nghị viện để duy trì quốc trị, dưới có báo quán để đạo đạt hạ tình. Đại trước tác thì có Dân ước luận của Lư Thoa[2], Tiến hoá luận của Tư Tân Tắc[3], Dân quyền thiên của Mạnh Đức Tư Cưu[4]. Suy rộng ra nào diễn thuyết, nào thi ca đều cốt để phát huy cái chủ nghĩa yêu nước, yêu nòi giống”.

    Họ cũng chưa phân biệt chỗ lợi hại của chế độ cộng hoà và chế độ lập hiến. Điều quan trọng là nhân dân được bàn bạc công việc chung của đất nước, công việc được “kẻ bàn, người nói, sớm sửa đi, chiều sửa lại” giữa những người đại biểu của dân để “làm cho đúng chân lý, hợp với tình hình”. Ý dân được soạn thảo thành pháp luật và có người dân coi việc nước là việc nhà (quốc sự tức là gia sự), am hiểu chính trị, ra sức chấp hành. Pháp luật là bắt buộc đối với mọi người  không để “người yếu thì trói buộc trong pháp luật còn kẻ mạnh thì lại được thảnh thơi ở ngoài pháp luật”. Thiết chế dân chủ, tinh thần đại hợp quần thành nước đó làm nên sức mạnh của các nước phương Tây và đó cũng là chỗ đối lập giữa chính trị nước ta với các nước đó.

    Chính trị nước ta là chính trị chuyên chế “vua tướng nắm chính sự ở trên, bách quan làm ở dưới. Việc của quốc gia trăm họ hoàn toàn không được nghe đến. Một chính lệnh ban ra, trăm họ chỉ một lòng vâng chịu, như học trò nghe lời giáo huấn của ông thầy, dạ dạ vâng vâng không biết cái chủ ý sai khiến đối với mình là nói cái gì. Như đến kỳ nộp thuế thì chỉ an phận giữ pháp luật, còn tô thuế là cái gì, pháp luật là cái gì, đều không nghĩ đến. Trên danh nghĩa thì làm quốc dân. Nhưng thực chất thì làm bù nhìn của chính phủ”. Không phải không có luật. Nhưng luật không được soạn thảo theo ý dân và “dân gian không được đọc luật”. “Hành chính thì cấm thay đổi, sửa sang; dùng người thì quý im lìm lặng lẽ; chiếu theo lệ cũ, nhưng lệ không nhất định”. Người dân không được pháp luật bảo vệ, nơm nớp sợ hãi, “làm văn sách thì chỉ sợ phạm huý, dâng thư cho người trên thì chỉ e phạm tội vượt phận, nói leo”, việc nước “cấm dân bàn bạc”. Người dân thường đã không được tham dự vào việc nước mà cả hạng quan lại thì chỉ “nghe có vấn đê thăng quan lên mấy bực, cất nhắc lên mấy người, chứ không hề biết đến vấn đề nào khác”. Những kẻ khác “đỗ đạt lên một tí, được cái tiếng quèn, đã vội khủng khỉnh ta đây là kẻ cả, tự xưng là bậc giữ gìn thế đạo, ngày ngày khoe câu văn hay, khư khư ngồi giữ những thuyết hủ lậu, khinh bỉ hết thảy mọi học mới văn minh”. Chế độ chuyên chế trông cậy vào vua hiền tướng giỏi mà vua hiền tướng giỏi thì ít có nên “ngày bình trị thì ít mà ngày loạn lạc thì nhiều”. Chính chế độ đó đã làm nước yếu dân hèn , gây ra hoạ mất nước. Cho nên trông chờ vào vua hiền tướng giỏi sao bằng trông chờ vào dân. “Dân đã mạnh thì nước yếu cũng có thể chuyển thành mạnh, và lại mạnh lâu dài”.

    Vì yêu nước, các nhà Nho đã làm một việc trái với bản chất của mình: hoan nghênh chế độ dân chủ tư sản.

    Nhưng nền tảng của chế độ dân chủ tư sản là quyền tư hữu, là cá nhân trong đời sống xã hội, là quan niệm về tự do cá nhân, về quyền bình đẳng xã hội, về sự công bằng giữa nghĩa vụ và quyền lợi  theo thuyết khế ước. Nói tóm lại nổi lên hàng đầu là vấn đề vị trí của cá nhân và đời sống xã hội. Các nhà Nho duy tân của ta tập trung sự quan tâm vào độc lập dân tộc và quan hệ giữa nhà nước với dân nên không chú ý đến nhiều vấn đề của tình hình thực tế khi thực hiện chế độ dân chủ tư sản.

    Không sống trong thực tế đấu tranh của giai cấp tư sản chống phong kiến để hiểu thực chất các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, giáo dục mà họ nêu ra cũng chưa đủ tôi luyện để nhìn nhận chế độ chuyên chế về mặt kinh tế xã hội, thấy rõ nội dung trật tự trên dưới theo thân, tước và xỉ, vai trò của gia đình, của họ, của làng xã, để nhìn đầy đủ cung cách áp chế bóc lột, hiểu hết những cái mà con người phải ràng buộc để khó có dân quyền và nhân quyền. Các nhà Nho quen với cuộc sống gia đình, họ, làng xã nên không thấy những mâu thuẫn giữa cơ chế – chính trị – xã hội phương Đông đó với cá nhân tự do và bình đẳng và với quốc gia thống nhất bằng luật pháp. Họ quan tâm không đầy đủ hay nói đúng hơn là nhận thức  không dễ dàng vấn đề kinh tế, xã hội, vấn đề nhân quyền, dân sinh của tư tưởng dân chủ tư sản.

    Với tư tưởng dân chủ tiếp nhận theo cách như vậy trong nhận thức của các nhà Nho duy tân hình thành các quan niệm mới về người dân và về các quan hệ trách nhiệm của người dân với nước và nhà nước.

    Ở nước ta, quốc gia dân tộc hình thành sớm. Tư tưởng về nước cũng do đó mà hình thành sớm. Nhưng trước đây, do tư tưởng “mệnh Trời về ngôi vua”, vua nhận mệnh ở Trời, cai quản nước và trị dân, nước là sở hữu của vua mà dân là thần thuộc của vua. Chủ quyền lãnh thổ thuộc về vua, thân phận người dân phụ thuộc vào vua. Yêu nước hay thương dân cũng phải thông qua phục vụ vua, cũng đồng nghĩa với trung nghĩa. Ngôi vua là tượng trưng cho nước, là dấu hiệu tập hợp nhân dân. Khi chế độ chuyên chế đã thành phi lý, ngôi vua đã thành công cụ của giặc, quan hệ giữa dân và nước đã phải giải thích theo cách khác, biện chính chủ quyền thuộc về dân và trách nhiệm chủ động cứu nước của người dân. Không đặt cơ sở trên quyền tư hữu, kinh tế hàng hoá và đời sống đô thị để nói về con người tự do trong xã hội bình đẳng và sự tồn tại của xã hội và nhà nước trên cơ sở khế ước, các nhà Nho giải thích quan hệ giữa người dân với nước, giữa mọi người trong xã hội bằng tình máu mủ chủng tộc. Nước là lãnh thổ với lịch sử, phong tục, văn hiến riêng, nay theo cách nhìn của lối làm ăn mới mà nhấn mạnh chứa đựng nhiều tài nguyên, là địa bàn sinh tụ của người dân. Nước không phải do Trời bày đặt mà do tổ tiên cha ông nhiều đời khai thác xây dựng nên. Bị một tư tưởng rất phổ biến thời ấy ám ảnh là giống da vàng có nguy cơ diệt chủng vì người da trắng, các cụ nhắc nhớ dòng giống Tiên Rồng, con cháu Lạc Long và Âu Cơ đẻ trăm trứng, nở trăm con, không những cao quý vì linh thiêng, không những anh hùng và thông minh mà còn sinh sản nhiều không thể tuyệt diệt. Đất nước gắn với dòng giống là gia tài, sản nghiệp, là tự điền hương hoả do cha ông để lại. Không nhấn mạnh đời sống xã hội vốn là đời sống chứa đựng những mâu thuẫn về quyền lợi kinh tế, về thân phận giai cấp, đẳng cấp; nên người dân, vì là con cháu cùng một giống nòi, có tình máu mủ ruột rà với nhau phải liên kết với nhau theo nghĩa đồng bào. Với cách hình dung thế giới theo quan hệ gia đình, họ hàng, làng xóm, các cụ viết: “nước ta là cha mẹ chung của hơn hai mươi triệu người chúng ta. Không yêu cha mẹ mình và không yêu nước mình đều là trái với thiên tính của loài người”. Với lãnh thổ, giữa các thế hệ dân nước, coi nhau như chú bác cô dì với con cháu, gắn bó hiện tại với quá khứ là một cái “hồn nước” như linh hồn tổ tiên trong từ đường. Mà nước ta trong quan hệ với các nước khác cũng sống theo tình họ hàng làng xóm:

Hồn xưa dòng dõi Lạc Long,
Con nhà Nam Việt, người trong giống vàng.
Chi Na chung một họ hàng,
Xiêm La, Nhật Bản cùng làng Á Đông.

    Con người là dân của nước, là con cháu một chủng tộc và sống với nhau theo nghĩa đồng bào. Cộng đồng xã hội không phải thành lập theo sự khế ước cho nên cái để duy trì nó cũng không phải là nguyên tắc tự nguyện, công bằng về quyền lợi và nghĩa vụ. Động lực thúc đẩy người dân làm chủ hay chủ động làm tròn nghĩa vụ là đền ơn đáp nghĩa tổ tiên, là tình nghĩa đồng bào ruột thịt. Làm chủ thể cho cuộc vận động dân chủ, theo các nhà Nho duy tân sẽ là con người “cá nhân-công dân” như trong cách mạng dân chủ tư sản ở phương Tây.

    Với cách tiếp thu tư tưởng dân chủ phương Tây theo cách mà nhà Nho xã hội truyền thống phương Đông không hình dung trải qua một cuộc cách mạng. Con người vẫn là thành viên của cộng đồng chứ không phải là cá nhân, vẫn định tính bằng có đức, nhưng bên cạnh tư đức có thêm công đức. Con người làm đơn vị cho xã hội và nhà nước mang theo đủ các quan hệ cha con, anh em, vợ chồng của hộ tiểu nông, sống với họ hàng làng xóm mà họ có trách nhiệm sống theo tình nghĩa. Tam cương hay ngũ luân của Nho giáo chỉ cần xoá đi một quan hệ là vua-tôi. Thay vào đó là nghĩa đối với nước, nghĩa với đồng bào, cái quy định phần công đức, phần trách nhiệm đối với xã hội. Người ta vẫn nói đến các vấn đề nhân quyền và dân quyền nhưng không phải với những con người là cá nhân với những quyền tự do.

    Thay đổi nền giáo dục, khai dân trí, chấn dân khí, đào tạo người “quốc dân”

    Tuy là say sưa với chế độ dân chủ phương Tây nhưng việc trước mắt là rửa cái nhục nô lệ, giải phóng đất nước, làm cho đất nước phú cường. Sự nghiệp đó đòi hỏi những con người khác trước, một cách hợp quần khác trước. Khác với các nhà Nho lớp trước, trong cái văn minh rực rỡ của phương Tây, các cụ bội phục không chỉ kỹ xảo, chế độ chính trị dân chủ mà cả những con người, tức là sự hiểu biết, tinh thần, tư tưởng. Với các nhà Nho, nhìn ra điều đó  là việc cực khó khăn. Chỗ họ tự hào văn minh phương Đông cao hơn văn minh phương Tây chính là ở chỗ đó.

    Không phải người da vàng sinh ra đã kém người da trắng, các cụ khẳng định như vậy. Nhưng con người ở phương Tây thì có những nét khác hẳn người nước ta. Theo các cụ thì người phương Tây coi nước là nhà, thấy mình gắn bó với nước, có trách nhiệm với công việc chung. Trái lại, “dân ta vốn không có tư tưởng quốc gia”; “nước ta từ xưa tới nay, chẳng qua là mới biết hội họp thành bầy nhỏ (tiểu quần) để sùng tu chùa viện, cầu cúng linh tinh, chứ chưa hồi hộp được bầy lớn (đại quần) là một “nước” để đoàn tụ, liên kết thành một thể, đặng giúp ta chế ngự sự khinh rẻ”. Phan Châu Trinh khi viết tựa cho tập  Hợp đoàn doanh sinh thuyết  của Nguyễn Thượng Hiền nhận xét:

“Thử hỏi có giống người nào, quây quần hơn hai nghìn vạn, cùng sinh một đất, cùng bơi một dòng, trong ngoài cùng một tục truyền, nam bắc cùng một thứ tiếng; khoe khoang nhau bằng lễ nghi văn hiến, xưng hô nhau bằng chú bác anh em; thế mà đãi giống khác, tiếp người ngoài thì vâng theo chiều chuộng, chỉ sợ không chu đáo. Đến như đối với người cùng giống, cùng nòi lại nỡ coi nhau như quân thù, lạt như nước lã, nhức đau không xót, mưu mẹo lừa nhau. Không có cái đoàn thể bền chặt nào là đông quá ba người, không có một “hội” “xã” lợi ích nào là vốn hơn trăm bạc. Chùa Phật, đền thần vàng son rực rỡ, tiệc ca chiếu rượu mâm chén ngổn ngang; ném món tiền ngàn lạng để cầu một chức quan, phá nghiệp nhà bậc trung để mua một tên đỗ. Thế mà có nói đến chuyện lập một hội buôn, mở trường học, dựng xưởng thợ, khẩn đồn điền thì thu tay đứng nhìn, một cái lông không muốn mất; lợi bằng cái tóc thì suy bì, vạ bằng trái núi thì không nghĩ, như nước ta không?”

    Tác giả Quốc dân độc bản trách dân ta không có tư tưởng quốc gia ở chỗ “chủ quyền của nước mình đã mất sạch mà quốc dân vẫn cứ ngủ say” tức là cam chịu nô lệ. Nhưng chắc chắn họ không nghĩ dân ta thiếu lòng yêu nước, căm thù giặc. Điều họ muốn nói, so sánh với người phương Tây để nói là thiếu tinh thần chung, hợp quần để thành khối quốc dân một nước, tức là ý thức hợp đoàn, tổ chức  trong kinh tế và xã hội để thành sức mạnh, chống lại sự cạnh tranh của nước khác.

    Người phương Tây cũng khác người nước ta ở tinh thần trọng thực nghiệm và chí tiến thủ. Ai cũng lo học cho có nghề và sống bằng nghề nghiệp “Cơ khí được chế tạo, sức hơi nước không đủ lại dùng điện lực. Điện lực không đủ, lại dụng tâm chiếm lĩnh sức hút của quả đất”, trong nước có nhiều người quan tâm sáng chế , phát minh “trổ khéo, phô tài, ngày một mới, tháng một lạ như Oát (Watt), như Ê-đi-xơn (Edison)”. Còn người nước ta thì chỉ lo kiếm danh, lo học làm văn chương để thi đỗ làm quan, ưa nhàn “ham mê đàn sáo, đầu hồ, bài lá, cờ tướng, đố thơ, đánh chữ, số tướng, địa lý, phù thuỷ, ngày ngày dốc cả trí khôn vào những thứ vô dụng, sống say, chết mộng”.

    Người phương Tây lại chuộng sự mới lạ, thích du lịch, coi thường gian nan, hiểm trở. Nhiều người bỏ cả đời đi thám hiểm những vùng đất xa lạ, đi vòng quanh cả địa cầu. Còn người nước ta thì ru rú xó nhà, mong chết ở quê hương, không dám rời làng “xa nhà mười dặm đã bùi ngùi những mưa gió hoa vàng. Ở lữ thứ vài năm đã than thở quan hà đầu bạc”.

    Người phương Tây ham tiến thủ, không chịu bằng lòng với hiện trạng, thích phát minh, ưa mạo hiểm nên ra sức ganh đua cạnh tranh với người khác, do đó họ tiến hoá nhanh. Còn người nước ta “thường lấy sự thuần phác quê mùa làm đẹp, cho sự điềm đạm cho sự khiêm nhường làm cao thượng. Không biết là đã quen thói chơi bời, lười biếng thì không tự giác ngộ. Tâm lý tri thức ấy đủ để cản trở sự tiến thủ”. Các nhà Nho duy tân đã chỉ ra đúng cái căn bệnh lâu ngày thành cố tật của con người trong xã hội sản xuất nhỏ trì trệ, của đời sống gia đình, họ hàng, làng xã đóng kín. Họ cũng không ngần ngại coi là sai lầm, là phản tiến hoá nhiều tiêu chuẩn đạo đức, thẩm mỹ đã được thánh hiền và cha ông ca ngợi bao đời. Đổi mới, tiến thủ thì dầu có hiểu khác, nhà Nho cũng đã gặp trong kinh truyện, nhưng lên án thái độ khiêm cẩn, lễ nhượng để đề cao cạnh tranh thì đúng là “ly kinh”, “bội đạo”. Thực ra, ngay cả ở đây, nhà Nho vẫn chưa phải đã thoát ly hoàn toàn lời dạy của thánh hiền. Họ nói: “Người ta sinh ra, trong gia đình thì lòng thân ái giữa cha con là từ tính trời mà ra, như thế tất là không có cái lý cạnh tranh. Chứ một khi đã vào trong xã hội, thì không có cái chuyện nhường nhịn. Không thế thì không bảo vệ được cái sản nghiệp của nhà mình”. “Phi cạnh tranh thì không có cách gì tự tồn”. Họ phê phán “dân ta không có đầu óc cạnh tranh”, quen khiêm nhường nên trước kẻ thù hung bạo “lúc thì ẩn nhẫn, lúc thì thoái nhường”, rồi từ thù ghét người nước ngoài chuyển thành nịnh hót người nước ngoài.

    Sự khác nhau mà các nhà Nho duy tân chỉ ra không chỉ là sự khác nhau giữa phương Đông và phương Tây mà còn là sự khác nhau giữa xã hội phong kiến và xã hội tư sản. Bằng việc phê phán văn minh phương Đông, các nhà Nho đã đi vào con đường chống phong kiến, chống Nho giáo và ủng hộ tư sản hoá.

     Thực trạng nước ta lúc đó, theo con mắt của các nhà Nho duy tân là mọi việc đều hỏng mà nguyên nhân là tư tưởng sai lầm, học thuật sai lầm. Văn minh tân học sách gọi các sai lầm tư tưởng là các nguyên nhân khởi điểm:

“Một là khởi ở cái điểm nội hạ ngoại di, không thèm hỏi đến chính thuật và kỹ năng của các nước khác. Hai là khởi ở cái điểm quý vương tiện bá, không thèm giảng đến cái học phú cường, cơ xảo của nước ngoài. Ba là khởi ở cái điểm  thị cổ phi kim, cho xưa là phải nay là quấy, không chịu xem xét kiến thức và những suy nghĩ, bàn luận của người sau. Bốn là khởi ở cái điểm trọng quan khinh dân nên không thèm kể đến tình hình hay dở ở chốn hương thôn”.

    Các nguyên nhân khởi điểm kéo theo tình trạng dân trí kém cỏi, dân trí hèn yếu, tập tục hủ bại, đều là do học thuật sai đường, đều do khuyết điểm trong nền giáo dục gây ra. Các nhà Nho duy tân đã phê phán nhiều điểm khá trọng yếu trong học thuyết Nho giáo nhưng chưa có lời nào bất kính hay tỏ ra nghi ngờ thánh hiền. Họ tin rằng sai lầm là ở chế độ khoa cử, ở cách học cách thi chứ không phải ở nội dung Kinh Truyện.

    Nước ta là nước có tiếng là hiếu học, nơi thôn cùng xóm vắng cũng có người dạy học, người đọc sách; những kỳ hạch, kỳ thi có tới hàng vạn người tham gia. Thế mà “nước ta có khoa cử  mà không có trường học”. Khoa cử lôi kéo nhiều người đi học, học từ nhỏ cho đến hết đời, nếu như thi chưa đỗ. Thế nhưng nó không làm cho con người hiểu biết hay đúng hơn, nó chỉ làm cho con người biết được những thứ vô ích. Vì học là để thi, mong đỗ được để làm quan, có công danh bổng lộc nên vừa biết một ít chữ Hán đã học làm văn “bám riết lấy sách vở cũ kỹ, nằm gục trước án sách mà đọc”. Nào Kinh, nào Truyện, nào Sử Tàu –  những thứ “sách Tàu, chép truyện Tàu, không quan hệ gì đến nước ta” cùng với đủ thứ  Tiểu thuyết, Tồn nghi, Đính nghi, Sảng tâm, Mông dẫn, Kinh án cho đến Thi thiếp, Sách lược… “đầy rẫy những lời bàn luận …  bác bẻ lẫn nhau, bịa ra câu hỏi rồi lại bịa đặt lời đáp chỉ tổ làm rối tai mắt người ta” về những chuyện không đâu. Còn sách vở nước ta viết về “sơn xuyên phong tục, văn vật, điển chương” tức là địa lý, lịch sử, văn hoá nước ta thì không cần để thi nên không ai học. Mọi người “lo ra công ở văn tự” nhớ cho nhiều, bắt chước văn cổ “ngoài văn chương không có gì là cao quý”. Cho nên từ đứa trẻ “hơi biết một chút văn bút đã tự phụ ra vẻ là công khanh đại phu, khinh rẻ không muốn đứng cùng hàng ngũ với nông công thương. Mà cả những người thực sự là công nông thương cũng sai con em bỏ nghề gốc của mình chạy theo cái học khoa cử, lấy việc đỗ đạt làm quan là điều vinh hạnh”.

    Thi là để lấy người làm việc nước nhưng tri thức đã vô bổ như vậy mà phép thi lại lấy việc làm văn chương nào thơ nào phú, nào kinh nghĩa, chiếu, biểu, luận, văn sách không những không phù hợp với thực dụng mà cũng không nói được nội dung hiểu biết để chọn người. Thể lệ thi cử cực kỳ gò bó “làm cho người ta bó buộc cái tính tự do, suy sút tinh thần hăng hái, để chăm vào cái học vấn rất vô dụng”. Khoa cử chính là cách học, cách thi làm nước yếu dân hèn.

    Sản vật của cái học khoa cử là người hủ nho – nhân vật trí thức của xã hội – mà văn chương của các nhà Nho duy tân không ngớt công kích, chế giễu. Người hủ nho biết đủ Dịch tượng, Thư trù cổ lỗ nhưng lại không biết “năm châu là những châu gì, thế kỷ này là thế kỷ thứ mấy”. Họ rung đùi ngâm thơ đọc phú biết đủ lối  “phá, thừa, khởi, thúc, thanh luật biền ngẫu” nhưng lại không biết địa lý, lịch sử, cách trí, toán pháp, không có nghề ngỗng gì để làm ăn. Đó là người tự coi mình là kẻ hướng đạo cho nhân tâm thế đạo, làm ra vẻ ưu thời mẫn thế nhưng lại là người bất tài vô dụng. Đối với sự tiến hoá của đất nước, không những họ vô tích sự vì bất tài, bất lực mà họ lại còn là vật cản trở vì bảo thủ chống lại mọi học mới văn minh.

    Trước thực tế của đất nước, các nhà duy tân cho rằng mọi việc đã hỏng mà hỏng nhất là dân trí và dân khí, sự hiểu biết và tinh thần của nhân dân. Cho nên cần phải làm một cuộc biến đổi tập tục cũ, cải tạo văn hoá xã hội mà trước hết và quan trọng nhất là cải tạo giáo dục, nhắm mục đích đào tạo “người quốc dân” mới. Kế hoạch mà Văn minh tân học sách đề ra có sáu “đường”, trong đó có ba đã liên quan trực tiếp đến giáo dục:

1/ Dùng văn tự nước nhà, tức là dùng chữ quốc ngữ.

2/ Hiệu đính sách vở bao gồm chọn sách, lập chương trình học tập và dịch sách Tàu, sách Tây ra quốc ngữ.

3/ Sửa đổi phép thi, tức là bỏ thơ phú, kinh nghĩa chỉ trau dồi văn chương vô ích. Giữ lại sách, luận nhưng cho học trò bàn bạc, tha hồ đối đáp tự do.

4/ Cổ võ nhân tài.

5/ Chấn hưng công nghệ.

6/ Mở toà báo.

    Đề nghị của tác giả Văn minh tân học sách về hiệu đính sách vở và sửa đổi phép thi chỉ là biện pháp tạm thời khi nhà nước chưa bãi bỏ khoa cử. Quốc dân độc bản sau đó đề xướng một công cuộc cải cách giáo dục triệt để hơn. Tác giả Quốc dân độc bản cổ vũ cho một nên giáo dục giống như ở phương Tây tức là gồm giáo dục phổ thông và giáo dục chuyên môn theo các cấp tiểu học, trung học và dại học. Nhắm “có ích cho mình và cho xã hội” theo tinh thần “thực học, thực dụng, thực nghiệp” nhắm vào ba điều vệ sinh, trị sinh và học làm người và làm quốc dân. Chương trình học tập là các môn khoa học từ thấp đến cao, dạy dỗ có mức cao mức nông nhưng nhấn mạnh chủ trương phổ cập giáo dục “làm cho cả nước không một người nào là không được giáo dục”.

    Mục đích giáo dục là đào tạo “người quốc dân” để biến cải tập tục , làm cho nước nhà đi vào con đường tiến hoá, trở nên phú cường. Người quốc dân chính là mẫu hình con người mới theo quan niệm duy tân lúc đó.

    Sách Quốc dân độc bản phân biệt “nhân dân” với “quốc dân”, “quốc dân” với “công dân”. Nhân dân là con người đối với nhà nước “chịu sự quản trị của nhà nước”, chưa có quan hệ với nước. “Còn quốc dân là gọi loại người đặc biệt của nước”. Người quốc dân gắn bó mật thiết với nước, “coi vui buồn vinh nhục của Nhà nước là vui buồn, vinh nhục của mình”, sẵn sàng bỏ tiền của, tính mạng bảo vệ nước, giúp Nhà nước chấn hưng xã hội, bỏ lòng tự tư tự lợi tuân theo pháp luật. Quốc dân hiểu như vậy thì không khác người “công dân” có quyền nghị bàn chính trị như ở phương Tây. Ở ta dân chưa có quyền dân chủ, chủ quyền đất nước cũng chưa khôi phục được. Tất nhiên không thể nói chuyện đào tạo người công dân. Nhưng nếu con người “giữ được pháp luật của nước, yêu mến đồng loại của nước mình, xem việc nước như việc nhà” thì có thể gọi là người quốc dân. Tất nhiên không thể coi là quốc dân những người phản bội Tổ quốc, làm nô lệ cho kẻ thù, những kẻ thiếu tư tưởng quốc gia, không quan tâm, không có trách nhiệm với nước. Quốc dân độc bản chính sách giáo khoa đào tạo người “quốc dân” như vậy. Ngoài nội dung yêu nước, yêu đồng bào, sách đó cũng đề cập đến một nội dung khác đó là ý thức không chịu hèn kém, tự cường, tiến thủ khắc phục ba tệ bệnh của người dân xưa. Trong bài Dân mạnh thì nước mạnh (Quốc dân độc bản) tác giả viết:

“Ưu điểm trong tính chất người dân nước ta là an phận, là già dặn kinh nghiệm, là nhẫn nại. Nếu dùng nó không thích đáng thì có ba điều tệ: Biết bảo thủ mà không biết tiến thủ là một; Biết theo người mà không biết độc lập là hai; Biết yêu mình, yêu nhà mà không biết yêu bầy, yêu nước là ba. Ba điều đó, không trừ bỏ được thì dẫu có vua thánh tướng hiền cũng chỉ bình trị nhất thời mà thôi”.

    Người quốc dân không chỉ là người yêu nước, yêu đồng bào mà còn là người dân chủ. Nó được coi là thuộc loại đặc biệt trong nhân dân tức là người tiên giác có trách nhiệm đi đầu trong cuộc vận động giành độc lập và dân chủ trong hoàn cảnh thực tế lúc đó.

    Khi châu Á không thể dè bỉu coi dân châu Âu là di địch mà phải xem xét nó cẩn thận thì chủ nghĩa tư bản đã thành hệ thống thế giới, phương Đông phong kiến, theo quy luật tất yếu phải tự biến đổi để thích ứng với thời đại, phải đi vào quỹ đạo chung, vừa chống lại, vừa đi theo châu Âu. Nó phải thức tỉnh, tự ý thức, kết thúc chế độ phong kiến, đi theo con đường tư sản hoá . Nhưng tầng lớp trí thức ở đây lại là nhà Nho chứ không phải trí thức tư sản. Với lòng yêu nước nhiệt thành, quyết tâm duy tân, những nhà Nho tiên tiến lúc  ấy đã dũng cảm phê phán nhiều giáo điều Nho giáo, coi đó là cản trở cho tiến hoá, hô hào tự do suy nghĩ, tự do bàn bạc để phát triển khoa học, mở rộng dân chủ. Họ đã đụng chạm đến ý thức hệ nhưng quan điểm của họ chỉ mới là thực tế thực dụng, thêm bớt, lấy bỏ nhằm làm cho nước nhà phú cường, văn minh. Cho nên họ mới phê phán tri thức mà chưa phê phán nhận thức. Đối với họ, thánh hiền Nho giáo còn có “những lời hay nết tốt”, những cái “có quan hệ với đạo thế nhân tâm”. Mà “lẽ biến hoá của lịch sử”, tuy biến hoá đã khác tuần hoàn, nhưng cũng chưa hoàn toàn vượt ra ngoài lời nói của ông thánh “cùng thì biến, biến thì thông, thông thì lâu dài”. “Hoá mà sửa sang gọi là biến, suy ra mà làm gọi là thông”. Ở một phạm vi khá rộng, và ở chỗ khá cơ bản – vũ trụ quan và nhận thức luận  – các nhà Nho duy tân chưa thoát khỏi ảnh hưởng của Nho giáo. Đông Kinh nghĩa thục biểu hiện sự thức tỉnh, sự ự ý thức của nước ta lúc đó. Với cách suy nghĩ nhà Nho, họ dễ dàng nhìn văn minh châu Âu từ góc độ nhân tâm, dân trí, chế độ chính trị hơn là những mặt khác. Kết luận họ rút được là “Vô luận nước nào trị hay loạn đều phải xem ở tâm tư đạo đức của quốc dân đối với chính phủ nước đó ra sao”. “Muốn biến đổi tính tình phong tục của dân ta, tất phải bắt đầu bằng sự tự giáo dục”.

    Nước yếu dân hèn là do tư tưởng học thuật sai đường mà muốn cải biến tình hình thì phải bắt đầu từ giáo dục. Đó là một tư trào khải mông. Cùng với đòi hỏi thay đổi nền giáo dục, các nhà Nho duy tân đưa ra yêu cầu giải phóng trí tuệ, đòi tự do tư tưởng, phát triển khoa học tự nhiên, chủ trương một nền văn hoá gần gũi với cuộc sống thực tế của đất nước. Cho nên dầu tránh việc thay cũ đổi mới, chủ trương của nó là chiết trung nhưng tinh thần vẫn là cách mạng: “Dây đàn cầm không hài hoà thì phải tháo ra mà sửa lại, nhà ở đã cũ hàng ngàn năm thì phải dỡ đi mà xây lại”.

    III.- CẢI CÁCH VÀ CẢI LƯƠNG. VẬN MỆNH CỦA TƯ TRÀO DÂN CHỦ VÀ KHẢI MÔNG

    Tư tưởng dân chủ và khải mông đã có mầm mống từ những năm bản lề giữa hai thế kỷ. Nhưng đến khi trường Đông Kinh nghĩa thục ra đời mới phát triển đến đỉnh cao nhất. Không những tư tưởng đó được phát triển công khai, đi vào công chúng thành hành động rộng rãi mà mặt khác cũng đến lúc đó, tư tưởng trên mới được bộc lộ đầy đủ, có hệ thống. Cùng với trường Đông Kinh nghĩa thục hầu hết các tỉnh đều mở những trường theo mẫu nghĩa thục ở Hà Nội. Có nơi như tỉnh Quảng Nam, cả tỉnh có đến bốn mươi trường. Mỗi trường đều có ít nhiều nhà Nho có khả năng làm những bài ca phổ biến những tư tưởng đó cho học sinh và dân chúng. Một phong trào thơ ca yêu nước và cách mạng phát triển thật rầm rộ, rông khắp, để lại cho đến nay hàng mấy trăm bài, truyền bá điểm này hay điểm khác của nội dung ta vừa nói. Bên cạnh những thơ ca như vậy, một số bài luận văn không ngắn như Văn minh tân học sách, Cáo hủ lậu văn trình bày có hệ thống những quan điểm mới. Có cả một tập sách giáo khoa như Quốc dân độc bản thể hiện tư tưởng mới vào công tác giáo dục thực tế những con người theo tư tưởng trên. Đó là chỉ kể những cái còn có may mắn sót lại sau cơn khủng bố dữ dội năm 1908 và sau đó.

    Nhìn từ bên ngoài phong trào Đông Kinh nghĩa thục mang bộ mặt một phong trào cải cách văn hoá xã hội. Nhưng ngay từ đầu, từ bên trong nó gắn bó chặt chẽ hơn với phong trào chính trị cứu nước. Khi thành trào lưu tư tưởng, nó cũng theo cơ sở của phong trào chính trị cứu nước mà đi nhanh vào quần chúng, biến thành hành động. Đến đây, nó chia ra hai ngả. Một bên là phong trào chính trị bạo động và một bên khác là phong trào chống hủ tục, cải cách văn hoá xã hội. Cách hiểu hai phong trào khác nhau như vậy và mối quan hệ giữa hai bên, ngay cả những người trong cuộc cũng khó nói rõ ràng. Người thì đối lập cải cách với bạo động, người thì coi là hai mặt công khai và bí mật của chỉ một phong trào. Cụ Huỳnh Thúc Kháng là yếu nhân của phong trào, quen thân chủ soái của cả hai bên là Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh lại coi hai cụ Phan là “tương phản tương thành” chỉ là “chia đạo phất cờ” mà thôi. Điều khá rõ ràng là người của cả hai phía đều là yêu nước, thường là rất quen biết nhau, kính trọng nhau, tin cậy nhau. Và riêng trường Đông Kinh nghĩa thục thì lại phát tài liệu cho cả hai phía. Nhưng dầu có thông cảm với nhau thì cũng không có một thoả ước nào theo hướng tương phản tương thành cả. Thực chất giữa hai phái có những khác nhau rất cơ bản nên mới xảy ra tranh luận về ba vấn đề:

1/ Cầu viện hay tự lực.

2/ Bạo động và cải cách.

3/ Quân chủ hay dân chủ.

    Tranh luận chắc gay go nên người trong duy tân hội mới phải báo động nguy cơ tan rã do “đảng tranh” với Phan Bội Châu và Phan Bội Châu phải viết thư cho Phan Châu Trinh mới dẹp bớt được sự xung khắc giữa hai phái. Với lòng yêu nước sâu sắc có ở tất cả các nhân vật của cả hai phong trào, ta cũng khó hình dung thực tế “đảng tranh” chia rẽ ý kiến sẽ phát triển đến đâu nếu phong trào còn được kéo dài thêm ít năm nữa. Nhưng chính quyền thực dân đã kết thúc sớm cuộc tranh cãi bằng một chiến dịch khủng bố: đóng cửa trường Đông Kinh nghĩa thục và ngoài một số bị xử tử, tất cả, không kể thuộc phái nào đều bị đưa đi đày. Một phong trào yêu nước như Đông Kinh nghĩa thục công khai hoạt động được giữa Hà Nội là một chuyện không bình thường ở nước ta. Sau khi Phan Bội Châu sang Nhật, Nho sĩ nhiều nơi hưởng ứng phong trào Đông du, ảnh hưởng của Trung Quốc lớn hơn trước. Pháp muốn loại trừ ảnh hưởng cả của Trung Quốc, cả của giới sĩ phu nên chủ trương cải cách giáo dục, dùng chữ quốc ngữ và chữ Pháp thay cho chữ Hán, văn hoá Pháp thay cho văn hoá Hán. Chúng muốn xúc tiến quá trình khai thác thuộc địa, tăng cường thêm theo hướng bóc lột tư bản chủ nghĩa để thu lợi nhiều hơn. Cho nên với phong trào Đông Kinh nghĩa thục, lúc đầu chúng tưởng có chỗ lợi dụng được. Chẳng bao lâu, chúng nhận ra hiểm hoạ: không thể coi thường tinh thần yêu nước là linh hồn của cả phong trào. Trước sự tấn công của phong trào chống Pháp do Phan Bội Châu đề xướng, nguy cơ của đại chiến thế giới sắp bùng nổ, của cách mạng vô sản đang lan dần sang phương Đông, thực dân Pháp lợi dụng bọn quan lại đầu hàng, bọn thân sĩ bị hủ hoá, bọn tư sản mới lập nghiệp tạo ra một cơ sở xã hội mới và đối phó với phong trào yêu nước bằng một chính sách chính trị văn hoá nguy hiểm hơn. Trường Quy thức, ban Tu thư, hội Khai trí tiến đức được thành lập. Nguyễn Văn Vịnh và Phạm Quỳnh, những người trước đây dạy chữ Pháp cho Đông Kinh nghĩa thục, được Pháp giật dây, đứng ra mở hai tờ tạp chí lớn: Đông dương tạp chí và Nam phong tạp chí. Tất cả các cơ quan đó hầu như thực hiện đúng mọi chủ trương mà Đông Kinh nghĩa thục đề ra. Chỗ khác nhau chỉ là những cơ quan vừa kể hạn chế phạm vi hoạt động thành chỉ là một phong trào văn hoá, chỉ của giới thượng lưu theo đường lối Pháp Việt đề huề giữa thực dân, phong kiến và tư sản bản xứ. Một sự đánh tráo. Một sự đổi trắng thay đen. Nhưng vẫn đánh lừa được rất nhiều người. Trong nhiều năm, Phạm Quỳnh rất được hoan nghênh, thậm chí có người còn tưởng nhầm ông chủ bút Nam Phong là nhà đại chí sĩ, đại ái quốc. Tất nhiên phải kể đến tài nghệ làm xiếc của tên trùm mật thám Mác-ty, nhưng trong bản thân tư trào Đông Kinh nghĩa thục cũng có chỗ cho Mác-ty làm được điều đó.

    Phong trào Đông Kinh nghĩa thục, đúng như các cụ lúc ấy hình dung là “một trận gió”, “một đợt sóng” từ nước ngoài ập vào, lôi cuốn cả nước như một đợt thuỷ triều khí thế ngất trời. Đứng đầu phong trào là các nhà khoa bảng lớn: Nguyễn Thượng Hiền, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Lương Văn Can, Nguyễn Quyền… Cũng những con người ấy, mới đây còn vùi đầu vào sử sách, mê say thơ phú, hăm hở với lều chõng chiếm địa vị vị danh dự nhất trong triều ngoài quận, bỗng dưng vùng dậy hô hào làm những chuyện không những trái với nề nếp của họ mà còn trái với cả quyền lợi của họ: chống vua quan, học theo Âu Mỹ, hợp đoàn, học nghề, cải cách dân chủ … Kêu gọi tư sản hoá nhưng trong hàng ngũ lãnh đạo, trong lực lượng nòng cốt và thậm chí trong cả quần chúng của phong trào nữa, không có mặt người tư sản. Thế mà phong trào lôi cuốn rất đông quần chúng , phát triển từ khắp bắc chí nam, khuấy động cả nhiều vùng nông thôn rất hẻo lánh, chưa có mầm mống gì của kinh tế và xã hội tư sản.

    Đây hoàn toàn không phải là chuyện một giai cấp tiền tiến phổ biến hoá những yêu cầu của giai cấp mình cho toàn xã hội. Mà cũng không hẳn là chuyện một giai cấp dẫy chết nhân nhượng với giai cấp đối địch. Chỉ vì tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc mà bộ phận giác ngộ nhất của đẳng cấp Nho sĩ tự đặt đẳng cấp mình vào đối tượng của cách mạng.

    Những chủ trương mà Đông Kinh nghĩa thục đề xướng nhắm vào quyền lợi cả dân tộc nên thành chỗ gặp nhau của nhiều tầng lớp: nhà Nho, nông dân, thị dân. Mọi người mê say hướng về một tương lai chung huy hoàng, đầy màu sắc lý tưởng mà chưa ai kịp hình dung tương lai đó cụ thể là như thế nào, quyền lợi của giai cấp mình, đẳng cấp mình trong đó sẽ như thế nào. Nói chung mỗi phía hình dung nó theo cách của mình, kèm theo những mơ ước riêng mà họ cũng không suy nghĩ cặn kẽ xem là hợp hay trái với yêu cầu chung đó. Những chủ trương hết sức chung, hết sức trừu tượng, có thể hiểu nhiều cách như vậy tập hợp được rộng rãi, và vì vậy bao hàm nhiều khả năng phân hoá , từ là hậu thuẫn cho bạo động võ trang đến chủ nghĩa cải lương.

    Căn cứ vào những chủ trương được công khai nêu ra thì Đông Kinh nghĩa thục chỉ là một phong trào cải cách về văn hoá, xã hội, kinh tế, không có tính chính trị. Mũi nhọn chĩa vào chế độ phong kiến, vào tầng lớp thân sĩ, Nho sĩ và Nho giáo – nói chung là hợp với mong muốn của chính quyền thực dân – hoạt động hợp pháp, được chính quyền thực dân cho phép. Trong một số bài ca có đụng chạm đến nhà nước Bảo hộ nhưng không phải là chỗ hiểm yếu. Chỗ nguy hiểm cho thực dân chính là do số quần chúng đông đảo và mang sẵn tinh thần đòi độc lập, tự do. Trong rất nhiều khả năng phát triển, quần chúng không dừng lại ở các chủ trương được tuyên truyền mà đẩy nó đi xa hơn, để thay cả chiều hướng phát triển của phong trào cải cách văn hoá: từ vận động cắt tóc đến biểu tình đòi giảm thuế, giảm xâu; từ đi học, đọc sách đến vận động quần chúng tổ chức chống Pháp.

    Lúc đầu, giai cấp tư sản chưa thành một lực lượng, có tán thành các chủ trương của Đông Kinh nghĩa thục thì cũng chỉ là với tư cách quần chúng yêu nước đi theo các nhà khoa bảng. Nhưng khi đã phát đạt hơn, giành được địa vị kinh tế và xã hội cao hơn, thành một lực lượng xã hội có ý thức tương đối độc lập thì giai cấp tư sản, lúc đó đã không còn các nhà khoa bảng yêu nước bên cạnh và đã trải qua khủng bố, xô cả vào con đường mở mang công thương nghiệp, tư sản hoá theo lối cải lương Pháp Việt đề huề.

    Vấn đề của lịch sử đất nước từ khi tiếp xúc với chủ nghĩa tư bản phương Tây  đã là chống đế quốc, chống phong kiến; độc lập và dân chủ. Đầu thế kỷ này, theo truyền thống đấu tranh của dân tộc, nhiều nhà Nho ngả theo tư tưởng của Phan Bội Châu: “Nước không còn nữa thì chủ cái gì, dân không còn nữa thì chủ với ai” mà chủ trương bạo động giành độc lập đã rồi mới nói dân chủ. Phan Châu Trinh là người có tư tưởng dân chủ sâu sắc nhất và nhất quán chủ trương ngược lại: “Không dân chủ thì độc lập cũng không phải là phúc của dân” cho nên đề xướng một chủ trương khá trái tai: “Ỷ Pháp cầu tiến bộ”. Chủ trương của Phan Châu Trinh cũng như phong trào cải cách văn hoá giáo dục của Đông Kinh nghĩa thục lúc đó mang nội dung yêu nước và không thuộc hẳn xu hướng cải lương. Ý đồ của Phan Châu Trinh lúc đó là “cùng với nhân dân, chí sĩ ba kỳ thức tỉnh nhân tâm. Hợp quần, hợp xã, khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh, ai nấy thấu rõ ngọn nguồn, đông tây sao mà chẳng vỗ nên bộp” (Thư gửi Nguyễn Ái Quốc. 1922). Ông muốn giành chính quyền bằng hành động cách mạng của quần chúng, chứ không phải bằng bạo động khởi nghĩa võ trang càng không phải bằng quân đội nước ngoài. Nhưng khi có bàn tay của thực dân và giai cấp tư sản nhúng vào thì tinh thần yêu nước chống thực dân, vai trò của quần chúng đông đảo, ý thức đấu tranh chính trị… bị tước bỏ. Yêu nước trở thành chủ nghĩa quốc gia nguỵ tạo, truyền bá văn minh Âu Mỹ trở thành ca tụng văn hoá Pháp, cải cách dân chủ trở thành cải lương, Âu hoá trở thành theo Pháp. Trong tư tưởng Đông Kinh nghĩa thục nói chung và tư tưởng Phan Châu Trinh  nói riêng, chỉ mới là mang sẵn mầm mống, chỉ là có khả năng cho thực dân và giai cấp tư sản lợi dụng phát triển theo hướng cải lương như vậy. Nhưng phát triển thành xu hướng cải lương thoả hiệp cũng là một nét có tính quy luật. Trong một thời gian dài, không chỉ Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh mới tuyên truyền cho chủ trương Pháp Việt đề huề. Các báo chí công khai phát ngôn cho giai cấp tư sản đều cổ vũ cho chủ trương đó. Đáng chú ý hơn nữa là các nhà Nho yêu nước kể cả những người lúc đầu hăm hở chủ trương thiết huyết bạo động, sớm hay muộn, nặng hay nhẹ, hoàn toàn hay từng lúc, từng phần đều có nghiêng về chủ nghĩa cải lương. Ngay cả Phan Bội Châu cũng không tránh được sự ngả nghiêng như vậy.

    Cái mà thực dân và giai cấp tư sản tước bỏ thì Ngô Đức Kế và Huỳnh Thúc Kháng sau khi từ Côn Đảo về đã cố gắng dùng tờ Hữu thanh  và tờ Tiếng dân làm sống lại. Con đường duy tân tức là hiện đại hoá theo kịp thế giới tiên tiến đã không phải là tư sản hoá. Ngọn cờ dân tộc dân chủ đã không  nằm trong tay giai cấp tư sản. Cho nên dầu chứa đựng lòng yêu nước cháy bỏng, những nhà Nho duy tân đó đã không thổi lên ngọn lửa như những năm đầu thế kỷ.

    Duy tân, Âu hoá, dân chủ hoá, tư sản hoá là những việc trái với bản chất nhà Nho. Vì yêu nước, nhất thời nhà Nho đã đi đầu đề xướng những chủ trương đó. Họ có thể tiếp thu một lý thuyết hay theo Đạo, theo Lý, có thể hành động có lợi cho nhân dân, cho Cách mạng, theo nghĩa. Nhưng quan niệm thế giới, quan niệm xã hội, quan niệm con người làm cơ sở cho những tư tưởng duy tân, Âu hoá thì lại phải phủ định được tư tưởng Nho gia mới tiếp nhận được, và cũng phải có thực tế của đời sống kinh tế, xã hội, đô thị mới có được. Những điều kiện như vậy, các nhà Nho trong phong trào Đông Kinh nghĩa thục chưa có. Không gắn bó được với quần chúng, thay đổi dần theo thực tế thế giới hiện đại, các nhà Nho yêu nước thất bại đều dễ quay lại bảo thủ, cải lương và sống thanh cao, độc thiện kỳ thân.

    Tư trào duy tân Âu hoá của Đông Kinh nghĩa thục nếu nhìn cả quá trình từ cuối thế kỷ trước cho đến những năm 20, 30, từ Nguyễn Lộ Trạch, Nguyễn Thượng Hiền cho đến Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng và theo góc độ nhà Nho tiếp thu văn minh phương Tây mới nhìn được những nét có tính quy luật của tư tưởng dân tộc, tư tưởng phương Đông thời cận hiện đại.

[1] “Khải mông” là chữ đồng nghĩa với chữ “Khai minh” (triethoc.edu.vn)
[2] tức là Jean-Jacques Rousseau (1712-1778), nhà triết học người Pháp. (triethoc.edu.vn)
[3] tức Herbert Spencer (1820-1903), nhà triết học, xã hội học người Anh. (triethoc.edu.vn)
[4] tức Montesquieu (1689-1755), nhà triết học người Pháp, cha đẻ thuyết tam quyền phân lập. (triethoc.edu.vn)

Nguồn: http://nguyenducmau.blogspot.com


Click to listen highlighted text!