Thảm sát Thiên An Môn: Từ nhân chứng thành người lưu giữ ký ức
Tờ mờ sáng 4/6/1989, sau khi trải qua một đêm tàn khốc, đẫm máu và nước mắt ở Thiên An Môn, giảng viên đại học trẻ Ngô Nhân Hoa (Wu Renhua) cùng 20 sinh viên rệu rã trở về trường đại học.
Khi vừa đặt chân tới cổng trường, trước mặt họ là ngổn ngang năm thi thể, được đặt trên một chiếc bàn trước một tòa nhà của trường Đại học Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc (KHCT-Luật).
Năm thi thể đó nằm ngửa, đẫm máu. Máu ở trên bàn, máu trên thân thể, máu loang đỏ trên mặt đất.
Một trong những thi thể đó bị dính liền vào khung xe đạp. Một bên ghi-đông đâm xuyên qua ngực. Một mảnh vải đỏ quấn quanh đầu thõng xuống. Một nửa còn lại của cơ thể không còn nguyên vẹn.
Các thủ lĩnh sinh viên Thiên An Môn đang ở đâu?
Thiên An Môn: Bài học gì cho giới đấu tranh VN?
‘Khoảng 10.000’ người chết vụ Thiên An Môn
TQ dùng robot kiểm duyệt tin về ngày 4/6
Nhân Hoa sụp xuống, quỳ trước những thi thể và không thể kìm được nước mắt. Trong đầu ông, chỉ vang mãi một câu: “Không bao giờ quên, không bao giờ quên, không bao giờ quên…”
Kể từ giây phút đó, Nhân Hoa thề rằng ông sẽ làm hết sức mình để lưu trữ những nỗi đau đó, những giọt nước mắt và máu của những nạn nhân của cuộc thảm sát Ngày 4 tháng 6.
Và ông đã làm điều đó suốt 30 năm qua.
Đêm mùng 3 và sáng mùng 4 tháng 6, 1989
Khi phong trào dân chủ xảy ra vào 1989, Ngô Nhân Hoa đang là một giáo viên trẻ tại Viện Pháp lý Sách cổ tại Đại học KHCT-Luật.
Kể từ cuộc biểu tình sinh viên hồi 17/4, cho tới khi chính quyền Trung Quốc “dọn sạch” đường phố vào đêm 3/6 và sáng 4/6, Nhân Hoa đã có mặt ở đó và chứng kiến tất cả.
Lúc đó là 6 giờ sáng 4/6, Nhân Hoa đi theo một nhóm sinh viên khoảng 2,000 người tìm cách thoát khỏi Quảng trường Thiên An Môn để chuẩn bị trở về trường.
Tại Liukou phía Tây Trường An, nhiều chiếc xe tăng vẫn đuổi theo nhóm sinh viên và bắn đạn khói.
Toàn bộ khung cảnh lập tức ngập trong đám khói vàng, và đám đông trở nên náo loạn, mọi người vội vã chạy lên lề đường.
Nhưng những chiếc xe tăng vẫn lao đi rất nhanh vào những thanh niên và cán luôn những chiếc xe đạp còi cọc.
“Hồi trước tôi chỉ đọc nó trong sách vở. Ngày hôm đó, tôi mới biết máu là gì.”
Lúc 10 giờ sáng, ông cùng đồng nghiệp Liu Suli với hơn 20 sinh viên may mắn kịp rời khỏi Quảng trường Thiên An Môn trở về trường.
Sau này, ông mới biết, chính quyền đã điều xe chở thi thể của các sinh viên và đổ ở cổng các trường đại học.
Nhân Hoa vẫn nhớ rõ, thi thể của người sinh viên đó vẫn dính liền với chiếc xe đạp, và không ai có đủ dũng khí để tách anh ta ra khỏi chiếc khung xe.
Tránh xa chính trị
Trước ngày 4 tháng 6 1989, Nhân Hoa vẫn là một giảng viên đại học, trốn tránh chính trị và chỉ vùi đầu vào những trang sách sử.
Năm 1977, Trung Quốc kết thúc Cuộc Cách mạng Văn hóa và tổ chức thi đại học. Ngô Nhân Hoa đậu vào Đại học Bắc Kinh ngành văn học cổ điển.
Ông cố tình chọn ngành này để tránh xa chính trị.
“Tôi đã trải qua Cuộc Cách mạng Văn hóa và biết rằng chính trị Trung Quốc rất ác nghiệt.”
Dù khi đó, thập kỷ của Cách mạng Văn hóa đã kết thúc, những lý tưởng và lối suy nghĩ bị cấm nhiều năm qua đã được nới lỏng hơn. Môi trường văn hóa đã trở nên thoải mái hơn và tự do ngôn luận bắt đầu mở rộng.
Tuy nhiên, thời kỳ tươi đẹp không kéo dài lâu.
Vào 1983, Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP) tiến hành một chiến dịch để xóa xổ “những tư tưởng bị ô nhiễm”. Điều này một lần nữa lại gây ra bầu không khí kiềm kẹp.
Từ 1978 và 1986, Ngô Nhân Hoa nhận hai bằng cử nhân và cao học về văn học lịch sử tại Đại học Bắc Kinh. Trong thời gian học tập, ông chơi với một nhóm bạn tràn đầy lý tưởng, gồm Vương Quân Đào (Wang Juntao), người từng tham giao vào “Phong trào Ngũ Tứ Thiên An Môn”.
Tuy nhiên Ngô Nhân Hoa chưa bao giờ tham gia các hoạt động với những người bạn của ông. Bởi vì ông biết một khi ông quan tâm đến chính trị, ông sẽ ngay lập tức bị “điều động” đến một bộ phận khác và con đường theo đuổi học vấn sẽ không còn.
Nhưng dường như ông càng rời xa chính trị bao nhiêu, ông lại càng bị nó cuốn vào bấy nhiêu.
Ngô Nhân Hoa tin rằng cái chết của nhà cựu lãnh đạo ủng hộ tự do Hồ Diệu Bang vào 1989 là đỉnh điểm của phong trào sinh viên.
Khi xã hội bắt đầu trở nên mở cửa hơn, thì chính quyền lại bắt thắt chặt lại. Giới tri thức phải đứng dậy và để xã hội tiếp tục tiến lên, và không thể để xã hội Trung Quốc trở nên lạc hậu và bị kiềm hãm chính trị.
“Nếu trí thức trẻ Trung Quốc không đứng lên vì lợi ích của bản thân, thì Trung Quốc không có hi vọng.”
Bộ trưởng Trung Quốc nói biến cố Thiên An Môn ‘là chính sách đúng’
Thiên An Môn: Nỗ lực xóa bỏ ký ức của Bắc Kinh
Những diễn biến chính của Thiên An Môn 1989
Vào buổi chiều 17/4/1989, Ngô Nhân Hoa lần đầu tiên chính thức tham gia vào hoạt động chính trị. Ông là một trong những người đầu tiên tuần hành xuống Quảng trường Thiên An Môn với tư cách là một giảng viên trẻ và cũng là một sinh viên. Khi đó, ông đã sẵn sàng chấp nhận bị, sa thải, bị đuổi khỏi trường đại học, và thậm chí cả bị tống giam. Nhưng những gì đã xảy ra ở Thiên An Môn còn tồi tệ hơn thế, dù ông đã may mắn sống sót.
Vượt biên vì lời thề máu
Sau 4/6, Ngô Nhân Hoa trở về quê nhà ở Ô Châu một thời gian.
Nhưng đến tháng 10/1989, người bạn thân của Nhân Hoa, Vương Quân Đào, một trong những sinh viên đầu tiên khởi xướng Phong trào sinh viên năm 1989, đã bị bắt giữ.
Ngô Nhân Hoa quyết định vượt biên để kêu gọi giải cứu những người bạn của mình.
“Chúng tôi đã nhận được tin rằng chính phủ Trung Quốc sẽ ngay lập tức tiến hành một phiên tòa lớn đối với những người biểu tình chủ chốt trong sự kiện Thiên An Môn. Theo thông lệ trước đây, người bị kết tội tham gia nhóm phản cách mạng sẽ bị kết án tử hình, và chính phủ Trung Quốc thì không ngại ngần gì điều này vào 1989… nhiều người nói rằng những người đóng vai trò quan trọng như Vương Quân Đào và Trần Tử Minh (Chen Ziming) chắc chắn sẽ bị kết án tử hình,” Nhân Hoa nói, nhớ lại khi đó.
Sau kỳ nghỉ mùa xuân ở quê nhà ở Ôn Châu vào 1990, Ngô Nhân Hoa nói với gia đình rằng ông sẽ quay lại Bắc Kinh, nhưng ông đi thẳng xuống phía Nam để chuẩn bị vượt biên.
Đến Trung Sơn, Quảng Đông, người dẫn đường đã lừa ông rằng chỉ có một con sông nhỏ từ Châu Hải sang Macao, rằng “chỉ cần nhấc nhân qua là tới”.
Nhưng khi đến nơi, Nhân Hoa nhận ra đó là một cái vịnh, với sóng vỗ đập vào những hòn đá trên bờ.
“Tôi không thấy ánh sáng ở phía bên kia. Tôi không biết Macao cách đó bao xa.”
Nhưng ông đã hứa với những người bạn, với Vương Quân Đào, với Trần Tử Minh rằng ông sẽ vượt biên, ông sẽ đứng lên để nói cho thế giới biết về những gì đã xảy ra với họ.
Đứng trước lựa chọn quay đầu vào bờ, hay nhảy xuống bóng tối mênh mông của biển và bóng tối, Nhân Hoa quyết định bơi qua dòng nước lạnh 7 độ C suốt hơn 4 tiếng đồng hồ từ Châu Hải sang Macao.
Khi đến được Macao, ông lên một chiếc thuyền đánh cá đến Hong Kong. Vào tháng 7/1990, ông đến Hoa Kỳ với tư cách tỵ nạn chính trị và ở Los Angeles theo chiến dịch Hoàng Tước Hành động (Operation Yellowbird), nhằm giúp những sinh viên phong trào 4/6 thoát khỏi Trung Quốc.
Trong thời gian đó Nhân Hoa viết nhiều bài báo, tuyên bố với quốc tế về những sinh viên khác như Vương Quân Đào và Trần Tử Minh, những người không được biết đến rộng rãi như giới lãnh đạo sinh viên như Vương Đan hay Sài Linh.
Tuy nhiên, Vương Quân Đào và Trần Tử Minh vẫn bị kết án tù 13 năm tù giam vào 1991. Năm 1994, Vương Quân Đào được sang Mỹ chữa bệnh sau khi bị xác định viêm gan B và sức khỏe suy kiệt vì nhiều lần tuyệt thực.
Trần Tử Minh cũng được thả vì lý do sức khỏe vào 1994 nhưng sau đó lại quay lại nhà tù. Năm 1996, ông được đưa sang Mỹ chữa bệnh, nhưng lại bị đưa về Trung Quốc và bị quản thúc tại gia cho đến khi bản án của ông kết thúc. Ông qua đời năm 2014 vì bệnh ung thư tuyến tụy.
Người lưu giữ ký ức 4/6/1989
Trong 30 năm kể từ ngày 4 tháng 6, 1989, Ngô Nhân Hoa đã dành những nỗ lực miệt mài của mình để hoàn thành ba cuốn sách: Người trong cuộc Giải tỏa đẫm máu Thiên An Môn (天安门血腥清场内幕), Lực lượng Vũ trang Tối cao trong sự kiện ngày 4 tháng 6 (六四事件中的戒严部队) và Sự kiện Ngày 4 tháng 6 (六四事件全程实录).
Ông đã sử dụng chuyên môn của mình trong việc nghiên cứu văn học cổ điển để thu thập thông tin về các nạn nhân thảm sát Thiên An Môn và các lực lượng thiết quân luật, và trở thành học giả nổi tiếng nghiên cứu sự kiện Ngày 4 tháng 6.
Từ năm 1989, chính quyền Trung Quốc luôn coi Thiên An Môn 1989 là một chủ đề nhạy cảm và kiểm soát rất chặt chẽ thông tin, dẫn đến việc nghiên cứu rất khó khăn.
Tuy nhiên, Ngô Nhân Hoa nói rằng ông hy vọng sẽ để lại một kho lưu trữ lịch sử hoàn chỉnh về “Cuộc thảm sát Ngày 4 tháng 6” để mọi người có thể nhìn lại quá khứ, và tìm ra những bài học cho tương lai.
“Một quốc gia, một dân tộc, phải có một ký ức lịch sử. Một quốc gia không có lịch sử, đó là một quốc gia đau buồn…”, Nhân Hoa nói.
BBC tiếng Trung không thể xác minh độc lập nội dung các cuốn sách của Ngô Nhân Hoa, nhưng nhiều nhà nghiên cứu Trung Quốc chuyên về “Ngày 4 Tháng 6” tin rằng nghiên cứu của ông có giá trị lịch sử rất cao.
Nguồn: BBC News Tiếng Việt